TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng để thực hiện được Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường phổ thông nhất thiết phải được quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự.
Đề xuất giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông được TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 7/12.
Ông Tiến cho rằng để thực hiện được Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các trường phổ thông phải được quyền tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự.
“Trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập tới điều này. Tôi đề nghị mở rộng quyền tự chủ không chỉ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học mà cần nói chung cho các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Tất nhiên sẽ quy định mức độ tự chủ từng cơ sở sẽ khác nhau, nhưng trường phổ thông phải được quyền tự chủ, và việc đó phải được cụ thể hóa trong điều lệ nhà trường phổ thông sau này" - ông Tiến đề xuất và khẳng định có như vậy mới có thể thực hiện được chương trình phổ thông mới. "Còn như hiện nay, trường phổ thông là những trường tuân thủ chi tiết từ trên xuống dưới mà không có chút tự chủ nào trong việc tuyển dụng giáo viên hay dạy học. Như vậy, tôi cho là rất khó thực hiện Chương trình mới”.
Ông Tiến cho rằng việc giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông là điều rất cần thiết, và trên thế giới các nước cũng đều làm như thế.
"Nhất là trong bối cảnh môi trường xung quanh thay đổi rất nhanh, nếu các trường không được chủ động thì không thể nào tiến hành chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu của thực tế" - ông Tiến khẳng định.
Theo ông Tiến, việc giao quyền tự chủ cho các trường sẽ đảm bảo việc nâng cao được chất lượng, tuy nhiên cũng đòi hỏi điều kiện bộ máy quản lý phải tốt.
“Hiệu trưởng cũng phải chuyển từ việc từ trước tới nay chỉ tuân thủ bên trên sang thế chủ động, tức là đòi hỏi năng lực mới. Cái khó là đa phần hiệu trưởng của chúng ta chưa đạt được năng lực đó. Ngoài ra, các nhà trường cũng phải có các hội đồng trường với thành viên gồm đại diện địa phương, cơ quan quản lý…, để định hướng và giám sát cách làm của hiệu trưởng, tránh việc hiệu trưởng trở thành các “ông vua” trong trường".
Liên quan đến Chương trình Giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự không đồng tình với việc quy định hội đồng thẩm định và tiêu chí đối với cá nhân muốn tham gia viết sách giáo khoa như dự luật. “Với cá nhân muốn tham gia viết sách giáo khoa, tôi nghĩ chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là không sai Chương trình mà Bộ GD-ĐT ban hành, thứ hai là không sai về nội dung chính trị và khoa học. Như vậy có thể có hội đồng thẩm định nhưng không cần có tiêu chuẩn với người viết sách giáo khoa, ai viết cũng được nếu thực sự giỏi. Đây là điều rất quan trọng và nhất định phải sửa đổi trong Luật Giáo dục” - ông Dũng đề xuất. |
Theo Vietnamnet