Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.372 km với thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng.

Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ngành giao thông đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hà Nội - TP.HCM được thiết kế tốc độ 100-120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60-80 km/h.

Tuyến đường có tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 93.534 tỷ đồng (chiếm 40,7%).

Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

resize_images1708581_1.jpgBộ Giao thông Vận tải cho rằng các tuyến đường cao tốc đang phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Hà Nội - TP.HCM trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 hiện rất cấp bách.

Về nguyên tắc đầu tư, quan điểm của Bộ GTVT là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể ở đây là hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Để đảm bảo khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đề xuất phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải.

Trong đó, các đoạn có dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2030 trên 30.000 - 35.000 xe/ngày, đêm sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, các đoạn có nhu cầu vận tải thấp hơn sẽ phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 17 m.

Thứ hai, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn xe hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hạn chế. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Phan Thiết - Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, GPMB theo quy mô 4 làn xe.

Đoạn Vinh - Túy Loan và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17 m, giải phóng theo quy mô 4 làn xe hạn chế.

Thứ ba, đầu tư theo quy mô quy hoạch, trong đó, đoạn Pháp Vân - Nghi Sơn đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc, nền đường rộng tối thiểu 29m. Đoạn Nghi Sơn - Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng tối thiểu 22 m.

Bộ GTVT dự kiến tiến độ thực hiện:

- Phê duyệt chủ trương/đề xuất đầu tư các dự án thành phần: Tháng 6-7/2017: - Phê duyệt dự án đầu tư: Hoàn thành từ tháng 12/2017-3/2018; - Phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu: Hoàn thành từ tháng 6/2018-9/2018;- Lựa chọn nhà đầu tư: Hoàn thành trước tháng 12/2018; - Khởi công các đoạn tuyến: Chậm nhất vào tháng 5/2019; - Hoàn thành các đoạn tuyến: Chậm nhất tháng 12/2022.

Theo ZIng.Vn

TIN LIÊN QUAN