(Baonghean) - Pha Lài đưa vào sử dụng, hai bên bờ sông Giăng thuộc xã Môn Sơn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã mọc lên nhiều quán xá. Vựa cá thượng nguồn sông Giăng cũng dần bị cạn kiệt bởi do nhu cầu lớn và cả sự đánh bắt mang tính hủy diệt.

Từ bến Pha Lài ngược vào Khe Khặng trên con thuyền nhỏ gắn máy, chúng tôi  tới được bản Cò Phát thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông). Bản làng Đan Lai nằm ở thượng nguồn sông Giăng, nơi bắt đầu của con sông này chảy vào đất Nghệ. Muốn có cái ăn, bà con phải vào rừng săn bắn, xuống sông mò cua, bắt cá  hoặc trồng lúa, ngô dọc các triền đồi, khe suối... Khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của bà con được khởi sắc hơn ấy là nhờ có sự quan tâm của cộng đồng và các dự án đầu tư giúp đỡ của Đảng và Chính phủ.

Dọc theo dòng Khe Khặng trước đây chỉ cần vứt nắm cơm hoặc cành lá cây là lập tức từng đàn cá Mát, cá Bọp tung tăng chạy đến đua nhau đớp mồi dày đặc. Điều đặc biệt, ở vùng núi này có rất nhiều loài cá khác nhau, nhiều loài đã trở thành đặc sản như: cá lăng, cá bọp, cá mát, cá lệch (chình), chạch, tôm... Sau các con thác là các vựa cá, chỉ cần quăng mẻ chài hay vây mẻ lưới là bắt được cả yến cá.

Hiện nay, do  nhu cầu phục vụ khách du lịch bến Pha Lài, nên   rất nhiều bà con xã Môn Sơn làm thêm nghề đánh cá. Vốn liếng không phải bỏ ra nhiều nhưng lại cho thu nhập cao. Nay thì khó lắm mới kiếm được vài con nho nhỏ. Dọc bờ sông từ Pha Lài vào, Đồn Biên phòng phải thường xuyên tuần tra phát hiện bắt giữ nhiều kẻ dùng kích điện đánh bắt cá, thậm chí chúng dùng cả mìn đánh bắt cá đưa về bến Pha Lài và thị trường Con Cuông nhập cho các nhà hàng ăn. Ngày trước vào vùng này thỏa sức ăn cá mát. Bây giờ khó khăn lắm mới kiếm được một cân cá này. Còn cá lăng, cá bọp, cá lệch.. thì sắp tuyệt chủng. Tại bến Pha Lài nếu khách ăn không hỏi trước dễ phải cắm cả tư trang lại vì mỗi con cá mát nướng bằng ngón tay cái giá 25.000 – 30.000 đồng. Việc đánh bắt cá tự do vô lối làm cho nguồn cá thượng nguồn sông Giăng bị cạn kiệt.  

Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Vi Văn Nam cho hay, xưa kia, Môn Sơn nổi tiếng với “cơm Kẻ  Quạ, cá sông Giăng”. Bây giờ nguồn cá sông Giăng đang ngày càng cạn kiệt, năm trước tỉnh tổ chức thả mấy tấn cá giống vào đập Pha Lài, chúng tôi đã chỉ thị cho công an xã phối hợp với Đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, phát hiện bắt giữ và xử phạt những kẻ dùng mìn, kích điện... đánh bắt cá trên sông. Mong giữ môi trường để nguồn cá sông Giăng sinh sôi nẩy nở thêm nhiều. Thiên nhiên ban tặng cho khe Khặng nói riêng, Môn Sơn nói chung nguồn thủy sản quý hiếm, nên cần phải biết giữ gìn nó. Môn Sơn là xã nghèo biên giới, nay nhờ có dòng nước thiên nhiên ban tặng tưới mát cho cánh đồng Mường Quạ một năm hai vụ lúa năng suất cao, cái ăn bây giờ không còn phải lo đói như trước. Chúng tôi vẫn cho bà con đánh bắt cá nhưng phương châm vừa đánh bắt vừa phải bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quý giá để chúng được sinh sôi nảy nở lâu bền, để khi về Môn Sơn, Mường Quạ câu hát “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” đọng mãi trong lòng du khách…

Phùng Văn Mùi(Huyện ủy Con Cuông)