Nỗi đau dai dẳng

Năm 1967, như bao thanh niên cùng thời khác, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thanh (SN 1948 ở xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên.

Sau khi hòa bình được lập lại, đầu năm 1976, ông Thanh xuất ngũ, trở về quê rồi lập gia đình với một người phụ nữ cùng quê. Đã trải qua những năm tháng chiến đấu gian lao, đối mặt với kẻ thù, cái chết luôn rình rập, niềm hạnh phúc về một tổ ấm gia đình được nhân lên khi người con gái đầu chào đời vào cuối năm 1976 và lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.

Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh ở xóm 3, xã Hưng Thịnh. Ảnh: Minh Quân

Nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi đó chỉ kéo dài gần 4 năm, khi 3 người con sau của ông Thanh là Nguyễn Thị Lê (SN 1980), Nguyễn Thị Hòa (SN 1982) và Nguyễn Văn Hảo (SN 1985) lần lượt chào đời và đều có dấu hiệu của bệnh bại não sau từ 1-3 năm. Nhớ về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, dưới những tán rừng rụng lá bất thường, bên những con suối màu nước đỏ quạch, ông Thanh đi giám định và rụng rời khi biết mình nhiễm chất độc da cam. Chất độc ấy ngấm sâu vào cơ thể ông chưa đủ, mà còn gieo rắc lên những đứa con tội nghiệp của ông, khiến họ không những còi cọc mà còn thường xuyên không tự chủ được hành vi. Vợ chồng ông đã đưa các con đi khắp nơi chữa bệnh nhưng rồi đành bất lực.

Không những thế, cách đây hơn 10 năm, ông Thanh được phát hiện mắc bệnh tim và phải phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim và 2 stent mạch vành, hiện mỗi tháng phải đi bệnh viện điều trị 2 lần. Khó khăn là vậy nhưng mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông hết vào chế độ nạn nhân chất độc da cam của ông Thanh và 3 người con.

Ngoài ra, ông Thanh có 6 người cháu, trong đó có 4 người do 2 người con gái bị nhiễm chất độc da cam sinh ra, hiện chưa phát hiện bệnh nhưng cũng còi cọc so với bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài hoàn cảnh của gia đình ông Thanh, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều những hoàn cảnh éo le, đối mặt với những đau khổ khi có những đứa con không lành lặn do di chứng chất độc da cam. Đó là cựu chiến binh Phan Văn Minh (69 tuổi ở xóm 2, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong khi tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, sinh được 4 người con thì 2 người bị bại não và lần lượt mất; hai cháu nội của ông cũng đang sống lay lắt từng ngày do ảnh hưởng từ bố và ông.

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh của cả nước (cùng với Thái Bình và Bắc Giang) có số lượng người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin lớn nhất cả nước với hơn 30 nghìn người. Trong số này, hiện có 13.690 người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định của Nhà nước (trong đó người trực tiếp 8.911 người, gián tiếp 4.779 người), tập trung nhiều ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh...

Một gia đình cựu chiến binh có con bị bại não do nhiễm chất độc da cam ở xã Thanh Hòa (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Chung tay để vơi bớt nỗi đau da cam

Để xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm chăm sóc cả vật chất và tinh thần, giúp các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập từ năm 2008 đã thực sự là mái nhà chung cho những hội viên. Đến nay, đã có 21/21 huyện, thành, thị thành lập được hội cấp huyện và 391/460 xã, phường, thị trấn thành lập được hội cơ sở, tổng số hội viên là hơn 14 nghìn người.

Năm 2022, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã vận động được trên 4,1 tỷ đồng từ các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để từ đó hỗ trợ xây 19 căn nhà, tặng hàng chục xe lăn và hàng nghìn suất quà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Diễn Châu trao tiền hỗ trợ cho một gia đình nạn nhân chất độc da cam ở xã Diễn Kim. Ảnh: Minh Quân

7 tháng đầu năm 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động các đơn vị, cá nhân trên địa bàn ủng hộ 4.142 suất quà với trị giá gần 2 tỷ đồng cho các gia đình nạn nhân. Ngoài sự hỗ trợ, thăm tặng quà cho nạn nhân của Trung ương Hội và của tỉnh, các hội cấp huyện, xã đã đề xuất lãnh đạo, chính quyền cấp mình trích ngân sách địa phương vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ, tặng quà cho nạn nhân trong dịp lễ, tết với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; tiêu biểu như các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh, Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương…

Từ sự quan tâm của xã hội, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn đang cố gắng vươn lên, vượt qua đói nghèo, mặc cảm bệnh tật, vững tin vào cuộc sống, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Đức (SN 1954) ở xóm 6, xã Diễn Lợi (Diễn Châu). Đi bộ đội năm 1971 vào chiến trường Tây Nguyên, xuất ngũ năm 1976, di chứng chất độc da cam khiến ông Đức bị khoèo chân, tay, người con trai duy nhất của ông cũng bị dị dạng. Nhưng nhờ sự hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, ông đã phát triển được một trang trại chăn nuôi với vài trăm con gà và hàng chục con gia súc các loại, trở thành một hộ khá ở địa phương.

Ngoài ra còn có trường hợp cựu chiến binh Phạm Bá Cảnh (SN 1953) ở xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên), phải nuôi 3 người con bại liệt toàn thân nhưng đã nỗ lực phát triển xưởng mộc gia đình, giải quyết việc làm cho 4-5 lao động địa phương.

Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳ Hợp trao nhà tình nghĩa cho gia đình một nạn nhân chất độc da cam ở xã Yên Hợp. Ảnh: Phan Giang

62 năm kể từ ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam (10/8/1961), ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” là dịp để kêu gọi toàn xã hội chung tay vì cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ giúp cho họ vơi bớt nỗi đau, có thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống.