Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra chỉ tiêu "Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên". Để đạt được chỉ tiêu đề ra, các cấp Hội Phụ nữ Nghệ An với vai trò và nhiệm vụ của mình đã đề ra các giải pháp tích cực.

Thời gian qua, vấn đề cán bộ nữ ở Nghệ An được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Tỷ lệ nữ tham gia vào cấp uỷ, đứng đầu các ban, ngành tăng dần qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, tỷ lệ nữ đảm nhận chức danh Phó bí thư cấp huyện, thành thị nhiệm kỳ 2010-2015 là 2 đồng chí, chiếm 4% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đảm nhận chức danh Bí thư cấp phường, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015 là 18 người, chiếm 3,7% (tăng 0,6%); Phó bí thư cấp phường, xã là 59 người, chiếm 12,3% (tăng 5%)... Tỷ lệ nữ trong đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh khoá XII đạt 20% (kế hoạch đề ra 25%); tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009: cấp tỉnh chiếm 25,5%; cấp huyện chiếm 25,6%; cấp xã 20,7%... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, chính quyền, trưởng các ban, ngành... vẫn chưa xứng với tiềm năng và lực lượng lao động nữ trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm kỳ 2011-2016 này, với mục tiêu đề ra là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt từ 30% trở lên, các cấp Hội phụ nữ đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Đó là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong các mục tiêu của chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đây cũng là cơ hội để phụ nữ nâng cao vị thế của mình trên lĩnh vực chính trị, đồng thời là điều kiện để Hội phụ nữ các cấp thể hiện vai trò của mình trong xây dựng Đảng, chính quyền. Để đạt được kết quả như mong muốn, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch phục vụ cho bầu cử; triển khai sâu rộng các hoạt động, phong trào thi đua hướng tới ngày bầu cử..."

Trọng tâm là công tác tuyên truyền về ý nghĩa cuộc bầu cử đến các hội viên phụ nữ. Ngoài vận động chị em tham gia các buổi tập huấn về công tác bầu cử của MTTQ, thông qua các buổi sinh hoạt Hội sẽ gắn với quán triệt các văn bản, luật Bầu cử (bổ sung), các qui định, chỉ tiêu cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND các cấp... đến từng cán bộ, hội viên; vận động chị em tham gia bầu cử đầy đủ; có trách nhiệm với lá phiếu của mình, sáng suốt lựa chọn những đại biểu có tâm, có tài.

Hội phụ nữ các cấp tham mưu cho địa phương về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, tham gia HĐND. Thực hiện tốt vai trò tham mưu, giới thiệu nhân sự nữ cho các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo các yếu tố về năng lực, trình độ, uy tín. Bên cạnh đó, có kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, giúp cho ứng cử viên nữ có kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tham gia các diễn đàn; động viên, khích lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử.


Thanh Phúc