Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn trong Kỳ họp thứ 2 với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động.

images1760355_phien_hoi_chinh_phu_1.jpgPhiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ.

Trong đó, Thủ tướng có nêu, “có văn hóa từ chức không, có nghị định về vấn đề này hay không, ai làm việc đó? Chính là Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”.

Thông tin ấy đã nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận. Bởi nếu hành lang pháp lý về việc từ chức được xây dựng sẽ nhắc nhở, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.

Câu chuyện “văn hóa từ chức” một lần nữa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi tại nghị trường Quốc hội, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các ĐB, trong đó có ĐB Dương Trung Quốc đã đặt ra vấn đề này. Theo ĐB, đã đến lúc xây dựng quy trình pháp lý để công chức, viên chức từ chức khi cảm thấy cần thiết. Và trả lời ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định văn hóa từ chức là cần thiết, sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện để công chức, viên chức từ chức trong điều kiện cụ thể

Trả lời thẳng thắn và chỉ đạo của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình lớn từ các ĐB và cử tri. Bởi phải thấy rằng việc từ chức khi không đảm đương được nhiệm vụ hay để xảy ra những vi phạm lớn… thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi người, đó là những phẩm chất rất cần. Nhưng như các ĐB phân tích, sở dĩ lâu nay ít có người từ chức, ngoài hành lang pháp lý chưa cụ thể thì còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc chức tước gắn liền với quyền lợi.

Có chuyên gia đã thẳng thắn nhận xét: “Chức tước gắn với nhiều quyền lợi nên nhiều người có tâm lý "bám ghế", "bám chức", "bám quyền" thay vì lý do danh dự hay cảm thấy mình không đủ khả năng, sức khỏe mà từ chức”. Và nếu không hình thành được hệ thống khái niệm công và tư trong hệ thống pháp luật cũng như trong văn hóa sẽ rất khó cho vấn đề từ chức.

Bởi thế, việc từ chức, đáng lý là bình thường, lại trở thành những “hiện tượng” trong xã hội. Những quyết định từ chức của nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ hay về hưu sớm của nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự… là rất đáng trân trọng, nhưng lại rất “hy hữu”. Nhiều ý kiến cho rằng, để nuôi dưỡng được “văn hóa từ chức” trong môi trường hiện nay, vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo bỏ. Và một trong những nút thắt chính là chuyện thủ tục pháp lý còn rườm rà khi miễn nhiệm chức vụ của một cá nhân. Chuyện thủ tục cũng có thể làm nản lòng bất cứ ai muốn từ chức, bởi không ít trường hợp “muốn từ chức cũng không được”.

Trở lại việc xây dựng hành lang pháp lý cho việc từ chức. Như các ĐB Quốc hội đã phân tích. Đây chính là thời điểm chín muồi. Bởi Đảng đã có Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII đề cao vai trò của các lãnh đạo, Thủ tướng nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính. Đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến vấn đề văn hóa từ chức. Bởi bên cạnh việc nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những cán bộ sai phạm, thì cũng cần tạo điều kiện cho những người cảm nhận được sự cần thiết phải rút lui trong danh dự.

Đồng thời việc tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch trong thi tuyển, lựa chọn cán bộ, công chức, tìm ra người có năng lực phẩm chất thực sự; lựa chọn hiền tài phải thực tâm, chí thành, từ chức sẽ là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí từ chức rồi sau đó có thể ứng cử hoặc được bổ nhiệm vào những vị trí khác phù hợp hơn cũng là bình thường.

“Từ chức đôi khi chỉ vì một sự việc chứ không hoàn toàn đánh giá bản chất của con người đó. Khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài” - một ĐB đã nhận xét rất đúng. Và với chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều người hy vọng rằng, khi một nghị định về vấn đề này được ra đời và thực thi, “văn hóa từ chức” sẽ không chỉ còn là chuyện nói đến như một hiện tượng bất thường nữa.

Theo Kinhtedothi.vn

 

TIN LIÊN QUAN