(Baonghean) - Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giúp DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tiến trình này.
* Thưa ông Đặng Quyết Tiến, trong tiến trình tái cơ cấu DNNN, đâu là điểm mới được coi là đột phá cho cả tiến trình?
* Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến: Điểm mới được coi là đột phá của Đề án do Chính phủ chủ trì đó là xác định rõ vai trò của DNNN cũng như việc đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, DNNN sẽ được cơ cấu lại để tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
*Theo ông, trong tiến trình đó, nhà nước đã làm gì để thu hút được nhà đầu tư vào cùng tái cơ cấu DNNN, nhất là nhà đầu tư nước ngoài?
*Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến: Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành và triển khai Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg, đồng thời trong năm 2014 đã thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SX-KD tại doanh nghiệp, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Các Nghị định về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài cùng dòng vốn đầu tư trong nước tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới cơ bản về “chất” của DN sau cổ phần hóa theo đúng mục tiêu đó là thay đổi quản trị công ty, công nghệ, khoa học kỹ thuật khi có sự tham gia của các nhà quản lý nước ngoài. Hạn chế các nhà đầu tư cơ hội, đầu cơ trung gian.
* Tức là ông đánh giá rất cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược và sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài?
Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến: Đúng thế. Về cơ chế chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ xác định việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển KT-XH của đất nước. Thời gian qua, cơ chế về cổ phần hóa DN luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, mua cổ phần, bên cạnh đó việc thực hiện cổ phần hóa phải đảm bảo công khai, minh bạch, các nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần phải được tiếp cận thông tin đầy đủ về tình hình DN...
Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô, tạo điều kiện cho nhà đầu tư (trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài) được mua với số lượng cổ phần lớn theo lô với điều kiện nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô phải có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với DN, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có, hỗ trợ DN tiếp tục phát triển. Ngay cả các tỷ lệ hạn chế đã được quy định, Nhà nước cũng sửa đổi theo hướng nếu Nhà nước quản lý được, thành phần kinh tế ngoài nhà nước làm được thì nhà nước sẵn sàng rút lui để DN và nhà đầu tư tham gia.
*Trân trọng cảm ơn ông!
Sông Hồng (thực hiện)