(Baonghean.vn) Thời gian qua, vị thế của thể thao Nghệ An từng bước được khẳng định. Đặc biệt thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ cả về công tác đào tạo, huấn luyện và thành tích thi đấu ở trong và ngoài nước. Bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, thể thao thành tích cao Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, từ cơ chế, sự quan tâm của các cấp, các ngành.
Theo những người làm công tác thể thao ở Nghệ An thì hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với các vận động viên (VĐV) có thành tích cao ở tỉnh ta chưa thoả đáng nên không những không thu hút được các tài năng thể thao ở các nơi khác đến tập luyện mà ngay cả những VĐV tài năng đang ở thời kỳ đỉnh cao cũng phải giã từ sự nghiệp để tìm kế mưu sinh. VĐV điền kinh Ngô Đăng Quang, 15 năm tham gia thi đấu cho thể thao Nghệ An thì đến 10 năm đạt HCV, đang ở trong độ tuổi thi đấu nhưng năm 2010, anh cũng đã giải nghệ đi xuất khẩu lao động. VĐV Nguyễn Ngọc Dũng, 2 năm liền (2008-2009) giữ kỷ lục quốc gia môn đi bộ 20 km, trước kỳ Đại hội TDTT toàn quốc 2010 cũng tự thôi việc...
Các VĐV phải tập luyện trong điều kiện chật chội, thiếu ánh sáng.
Kiện tướng Đoàn Xuân Luyện- người đem về 8 chiếc HCV môn Vật dân tộc cho thể thao Nghệ An, đã tốt nghiệp Đại học TDTT, ở tuổi 30, nguyện vọng của anh cũng chỉ là được "vào biên chế Nhà nước", tiếp tục cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, nhưng vẫn còn gặp trắc trở... Đa số các VĐV khi hết tuổi thi đấu đều phải tự tìm việc làm mà không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi nào của các cấp, các ngành. Nhiều trường hợp VĐV đang ở độ tuổi thi đấu gặp chấn thương cũng đành bỏ dở sự nghiệp, có trường hợp chấn thương nặng sau khi chữa trị xong cũng đành về nhà với hai bàn tay trắng.
Do đang chờ "dự án treo" là Khu Liên hiệp thể thao của tỉnh nên cơ sở vật chất tại Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh không được đầu tư xây dựng tiếp. Hiện nay, nơi tập luyện, chỗ ăn ở của VĐV lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Các VĐV không có điều kiện để tiếp xúc với trang thiết bị khoa học kỹ thuật mới và chăm sóc y học thể thao hiện đại.
Để có nơi tập luyện, các VĐV, HLV phải mượn những địa điểm gần Trung tâm và tập cả dưới gầm khán đài A của SVĐ Vinh, những địa điểm này không đáp ứng được những yêu cầu trong tập luyện nên ảnh hưởng lớn đến thành tích của các VĐV. Với 300 VĐV và 36 HLV, thường xuyên phải di chuyển để tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước nhưng cả Trung tâm cũng chỉ có 1 chiếc xe 16 chỗ cũ kỹ...Một vấn đề khác mà những người làm công tác thể thao thành tích cao Nghệ An luôn trăn trở là vấn đề xã hội hoá các môn thể thao thành tích cao vẫn mới chỉ dừng lại ở bóng đá, 16 bộ môn đang tập luyện, đào tạo tại Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh vẫn chưa tìm được một nhà tài trợ nào.
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và liên tục của thể thao thành tích cao tỉnh nhà, rất cần một chế độ ưu tiên, trọng dụng dành riêng cho những VĐV tài năng, bên cạnh đó, cũng rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các "mạnh thường quân" đối với những bộ môn thể thao.