(Baonghean) - Theo quan niệm dân gian, tháng Chạp được gọi là "tháng củ mật"; "củ" nghĩa là kiểm, "mật" là cẩn mật, cẩn thận, ý nhắc nhở mọi người trong khoảng thời gian này phải cẩn trọng trong mọi mặt đời sống. Trong khoảng thời gian này, thực tế sinh hoạt đời sống cho thấy người ta thường bận rộn, hối hả việc công, việc tư.

Trang hoàng đường phố trong dịp Tết. Ảnh: P.V

Đây là khoảng thời gian “cao điểm” trong năm về nhiều phương diện, nhất là chu chuyển của con người và hàng hóa. Rồi cũng là thời điểm các cơ quan, tập thể tổ chức hội nghị, sơ tổng kết, liên hoan; người dân, cán bộ, công chức thường phải gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng trong năm, dẫn đến lơ là, mất cảnh giác, sơ sẩy để xảy ra các sự việc đáng tiếc như mất mát, tai nạn giao thông hoặc cháy nổ...

Mặt khác, các đối tượng, tội phạm lợi dụng "tháng củ mật", gia tăng hoạt động gây hại cho xã hội. Do đó, cái lo nhất đối với nhà quản lý và các cơ quan chức năng, và cũng là cái ái ngại của mỗi gia đình, mỗi người vào dịp Tết, là sự an toàn, an ninh đối với cộng đồng dân cư và các cá nhân. 

Từ nhiều ngày nay, ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, chính quyền các cấp đã tăng cường lực lượng, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tích cực tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Tuy vậy, để thực sự giữ vững trật tự xã hội, an toàn, an ninh, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm làm cho mọi người nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành luật pháp, đồng thời tăng cường cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao trong dịp này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý khoa học, hợp lý, huy động lực lượng, phương tiện của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác cung cấp dịch vụ đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn.

Tại các khu dân cư, việc quản lý các đối tượng xấu trên địa bàn cần được giám sát chặt chẽ, thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở họ chấp hành luật pháp. Đồng thời, do thực tế phần lớn các đối tượng này đều có hoàn cảnh sống khó khăn, vậy nên các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể cần quan tâm chăm lo, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ họ tìm việc làm, giải quyết những khó khăn đó; và nếu có thể, huy động họ tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư.

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng, chống cháy, nổ; tổ chức lực lượng canh trực, có phương án ứng phó với sự cố hữu hiệu xảy ra ở đơn vị mình, đồng thời sẵn sàng tham gia với chính quyền, cơ quan chức năng làm nhiệm vụ này khi có yêu cầu.

Với mỗi người, "tháng củ mật" là khoảng thời gian quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Đấy là kết thúc một năm âm lịch, chuẩn bị bước sang năm mới với ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch cá nhân; là những ngày sắp được nghỉ ngơi, trở về đoàn tụ hoặc đi du lịch đâu đó cùng gia đình. Tâm trạng phấn chấn xen lẫn lo âu, tiếc nuối và đôi khi cả hối hận với những việc làm của mình không được tốt trong năm qua, bởi chắc chắn sẽ có những dự định, ước muốn chưa đạt được...

Những điều trên cộng với cường độ công việc, cuộc sống tăng cao, khiến chúng ta mệt mỏi, mất tập trung, dẫn đến lơ là, mất kiểm soát bản thân, xảy ra sự cố không mong muốn. Vậy nên chúng ta cần hiểu rõ, tỉnh táo, giải quyết việc công, việc tư một cách khoa học, hợp lý.

Việc gì cần làm trước việc gì làm sau, việc chưa thể làm được thì tìm nguyên nhân, sắp xếp lại mọi thứ, điều chỉnh kế hoạch, thay đổi mục tiêu, tìm cách thức khác để hoàn thành trong năm tới, đừng nóng vội cố làm bằng được dẫn đến đổ vỡ và ảnh hưởng xấu lên cuộc sống của mình cũng như những người liên quan. Trong các mối quan hệ cá nhân, cần nên giải quyết hài hòa, đừng vì tranh chấp lợi ích mà gây mâu thuẫn dẫn đến xung đột.

Mọi người ứng xử với nhau nhân ái, yêu thương sẽ góp phần hóa giải những biến cố, bất trắc trong cuộc sống, không chỉ riêng trong "tháng củ mật" mà cả năm, cả đời sẽ được bình an.

Hoài Quân

TIN LIÊN QUAN