Để phụ nữ cống hiến, hưởng thụ đúng năng lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sau 3 năm thực hiện các chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, từng bước tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ có điều kiện phát huy tài năng, sức sáng tạo và phát triển toàn diện.

Bình đẳng giới trong xã hội hiện nay là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, xã hội và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định chủ trương về bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

bna-mai-hoa-47501083-1252020-1175.jpeg
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa khen thưởng các cá nhân điển hình tiên tiến. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Ở Nghệ An, để nâng cao chất lượng thực hiện bình đẳng giới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời các Chỉ thị, Chương trình và kế hoạch do Trung ương ban hành; như việc tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, về chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Qua đó nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ đã có sự chuyển biến tích cực, được triển khai thực hiện hiệu quả; công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; tỉnh đã hình thành được bộ máy làm công tác bình đẳng giới và ban vì sự tiến bộ của phụ nữ từ cấp tỉnh đến cơ sở.

lanh-dao-tinh-chup-anh-voi-phu-nu-nghe-an-lam-giu-cac-vi-tri-chu-chot-trong-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-va-cap-uy-chinh-quyen-cac-cap-9918.jpeg
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh với phụ nữ Nghệ An giữ các vị trí chủ chốt trong các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm, triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với các vùng miền, đối tượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ cơ bản được triển khai thực hiện tốt. Tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy, giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh, huyện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ngày càng nhiều, nhất là cấp trưởng, cấp phó. Đã có 20/24 chỉ tiêu thuộc 6 mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2015 đạt và vượt kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ 83,3% so với kế hoạch đề ra.

bna-mai-hoa-cac-dai-bieu-tham-quan-cac-san-pham-trung-bay-2883-9679.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm trong "Ngày phụ nữ khởi nghiệp". Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nội dung của chiến lược, chương trình, kế hoạch bình đẳng giới ở một số địa phương, đơn vị còn chưa sâu rộng, đồng bộ, còn thiếu công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tỷ lệ nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo vẫn còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ của tỉnh. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các nội dung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương còn chưa rõ nét, vẫn chưa được thực hiện một cách thực chất và có sự quan tâm đúng mức. Công tác thu thập thông tin, xử lý số liệu, báo cáo về công tác cán bộ nữ của một số ngành, đơn vị, địa phương thiếu kịp thời, độ chính xác chưa cao.

Còn thiếu sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cho các hoạt động bình đẳng giới từ ngân sách địa phương, nhất là ở cấp xã, thiếu nguồn lực, chưa thực sự thu hút được sự tham gia của nam giới trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đến nay, tỉnh còn 4/24 chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 chưa đạt kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ 16,7%.

Nguyên nhân tồn tại trên là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, mức độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh, nên vẫn chưa có bình đẳng thực sự trong thụ hưởng thành quả do sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại nhất là phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số... Định kiến giới đối với phụ nữ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý vẫn còn khắt khe làm hạn chế khả năng và sự thăng tiến của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội. Chưa có chế tài đủ mạnh để bắt buộc các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ trong các cơ quan, đơn vị và các địa phương.
Cùng đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu chưa thật sự nhận thức sâu sắc về vai trò của phụ nữ, chưa đặt công tác phụ nữ ngang tầm với vai trò, vị trí và yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn hiện nay. Một số lãnh đạo còn thiếu khách quan khi đánh giá cán bộ nữ.
Để công tác bình đẳng giới thực sự hiệu quả và đi vào thực chất, sắp tới các sở, ban, ngành cũng như các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác bình đẳng giới, công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó có Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư.
Đồng thời, hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Trong đó, có việc nghiên cứu sửa đổi Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới; rà soát, nghiên cứu, bổ sung và triển khai thực hiện các chính sách về công tác phụ nữ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới, công tác phụ nữ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TW; chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc đối với công tác bình đẳng giới, công tác phụ nữ; nâng cao vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

Tin mới