(Baonghean) - Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và mức độ đô thị hóa ngày càng gia tăng đã tạo ra nhiều áp lực cho vùng nông thôn ven đô thị lớn, hoặc ven những trung tâm kinh tế vùng. Có thể nhận thấy điều này rõ ràng tại các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Dưới áp lực ấy, công nghiệp, dịch vụ dần phát triển thay thế vai trò của nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp vẫn có vai trò chủ chốt đối với kinh tế nông thôn. Chính vì vậy, việc làm thế nào để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và năng động là một câu hỏi lớn.
Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp
Theo TS. Trần Hữu Khai (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), để nông nghiệp có hiệu quả và giá trị gia tăng cao thì bắt buộc phải coi nông nghiệp công nghệ cao là động lực, doanh nghiệp nông nghiệp là người dẫn dắt và người sản xuất (nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã) là nhân tố tham gia tích cực trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – thương mại nông sản hiện đại và mạnh mẽ. Bản chất của công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành nông nghiệp chính là tăng năng suất lao động xã hội của ngành. Trong bối cảnh này, áp dụng công nghệ sinh học và công nghệ thâm dụng vốn để tạo ra một nền nông nghiệp “sạch và có chất lượng cao” là một giải pháp tốt đối với các quốc gia có hạn chế về ruộng đất như Việt Nam. Điều này có thể nhìn nhận qua các mô hình áp dụng khá thành công như mô hình “Làng thần kỳ” được các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản chuyển giao ở vùng canh tác rau - hoa ở Đà Lại, tỉnh Lâm Đồng; mô hình sản xuất gạo hữu cơ ở Cà Mau; các mô hình chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao quy mô hộ gia đình ở TP. Hồ Chí Minh; v.v.
Không nhưng thế, nông nghiệp hiện đại với trình độ công nghệ cao đòi hỏi phải có các chủ thể sản xuất, có thể là hộ gia đình nông dân, chủ trang trại nông nghiệp, chủ doanh nghiệp nông nghiệp phải có kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp và quản trị sản xuất, quản trị chất lượng và hiểu biết về thị trường nông nghiệp và áp dụng các kiến thức này vào quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp - TS. Trần Hữu Khai nói.
Ý thức về trách nhiệm xã hội và đạo đức sản xuất cũng là các yếu tố quan trọng hình thành nhân cách và văn minh của người sản xuất để sản xuất ra nông sản sạch, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Ý thức trách nhiệm xã hội cũng có nghĩa là ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết khi tham gia các liên kết ngang và liên kết dọc trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Thiếu vắng các chủ thể có các tính chất này thì nông nghiệp không thể công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong đó chính sách giáo dục, đào tạo, huấn luyện và chuyển giao kiến thức và kỹ năng khoa học công nghệ, quản trị sản xuất và kiến thức thị trường là cốt lõi.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa sản xuất và thương mại cũng như sự hình thành phương thức liên kết dọc trong sản xuất và thương mại nông sản, quan hệ sản xuất truyền thống của nền nông nghiệp nhỏ và manh mún không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển. Dù muốn hay không, chúng ta phải chấp nhận sự hình thành, phát triển của các chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến thương mại nông sản. Các chuỗi giá trị nông sản gắn kết người sản xuất với nhà chế biến và các doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm để sản xuất ra những nông sản thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng. Các chuỗi giá trị nông sản cũng giúp phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn liền với quy hoạch sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn.
Nếu cứ duy trì hình thức sản xuất cơ bản trong nông nghiệp Việt Nam do hộ nông dân là chủ thể độc lập, không tham gia liên kết ngang, liên kết dọc, không gắn kết với chuỗi giá trị nông sản, sản xuất không tuân theo các quy luật thị trường thì chắc chắn không thể công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam – TS. Trần Hữu Khai khẳng định.
Đa dạng hóa dịch vụ tín dụng, bảo hiểm
Nhìn chung, để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và năng động, cần phải có chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản phù hợp, có sự hỗ trợ đúng cách của chính phủ và chính quyền địa phương trong hình thành các liên kết ngang, liên kết dọc đa dạng dựa trên hoạt động chế biến và thương mại nông sản. Việc thay đổi cách tiếp cận trong chính sách nông nghiệp từ tiếp cận từ phía cung sang tiếp cận từ phía cầu; quy hoạch sản xuất theo định hướng thị trường và sản phẩm chủ lực, gia tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu bằng cách giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất ; giải quyết tốt các vấn đề về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; giải quyết tốt các vấn đề về áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo những bước đi phù hợp… là rất quan trọng.
Trong thực tế hiện nay, việc áp dụng các quy trình VietGAP rộng rãi sẽ giúp nông dân Việt Nam dần tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế. Một khi nông sản Việt Nam thỏa mãn được các tiêu chuẩn quốc tế, và được các nước nhập khẩu thừa nhận, sẽ giúp khai thông các thị trường tiềm năng về nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản không chỉ có lợi cho việc xuất khẩu mà còn giúp bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trong nước – điều mà dư luận xã hội đang rất quan tâm.
Điểm lưu ý cuối cùng là theo các chuyên gia cho biết, chìa khóa thành công tại các quốc gia thành công trong phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là có các tổ chức nông dân mạnh như các HTX nông nghiệp. Thông qua HTX, cư dân nông thôn cải thiện được khả năng tiếp cận đến tín dụng, gửi tiền và bảo hiểm. Dịch vụ tài chính cũng tạo cơ hội cho cư dân nông thôn giảm bất bình đẳng về cơ hội công việc làm và thu nhập trong nội bộ nông thôn cũng như giữa nông thôn và thành thị. Đa dạng hóa dịch vụ tín dụng, có những dòng tín dụng đặc thù cho người nghèo, có những chương trình tín dụng chuyên biệt cho phát triển các ngành hàng nông nghiệp quan trọng và giữ lãi suất hợp lý phù hợp với suất sinh lợi của hoạt động nông nghiệp là những vấn đề thực sự phải quan tâm, phải được giải quyết thì mới tạo ra được nền tảng ổn định cho tiến trình phát triển mạnh mẽ, năng động hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Sông Hồng