(Baonghean) - Hỗ trợ tiền vay mua cây giống, vật tư phân bón, xử lý thực bì và công chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, đó là những hạng mục đầu tư của dự án phát triển ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, để người dân yên tâm đầu tư phát triển rừng trồng cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) rừng.

Quá trình triển khai chương phát triển ngành Lâm nghiệp Nghệ An với 6 huyện trong vùng hưởng lợi là Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Diễn Châu và Yên Thành đang gặp khó khăn, vướng mắc do yêu cầu của dự án là người dân phải có GCNQSDĐ mới đủ điều kiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Bởi vậy, có nhiều hộ dân sẽ không tiếp cận được vốn vay, xảy ra tình trạng dân thiếu vốn đầu tư trồng rừng, trong khi đó tiền của dự án  tại ngân hàng không giải ngân được. Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ cho biết: “Trên địa bàn huyện vướng mắc nhất trong việc cấp, đổi GCNQSDĐ nằm ở những hộ dân bị mất GCNQSDĐ chưa xác minh được, hoặc tại hiện trường phải chỉnh lý về ranh giới, do vậy kết quả thực hiện việc cấp GCNQSDĐ chậm, chỉ có 12/48 hộ được nhận GCNQSDĐ. Những hộ có đủ điều kiện đã được vay 1.156 triệu đồng để đầu tư 92,2 ha rừng”. 

Gia đình ông Phạm Văn Cảnh, xóm Nam Tiến, xã Nghĩa Phúc (Tân Kỳ), có 5,7 ha rừng, nhờ có đầy đủ các thủ tục, nên khi tham gia dự án (năm 2013) được các cấp, ngành chức năng cấp GCNQSDĐ, đồng thời được vay hơn 100 triệu đồng đầu tư phát triển nghề trồng rừng. Thế nhưng, cũng tại xã Nghĩa Phúc, nhiều người dân chưa đủ điều kiện vay vốn của chương trình, nhưng vẫn tự bỏ vốn đầu tư trồng mới 135 ha. Còn  xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cũng có nhiều hộ không đủ điều kiện vay vốn của dự án do đường ranh giới phân định rừng của từng hộ chưa rõ ràng (vì có sự sai lệch diện tích giữa việc trước đây giao đất theo bản đồ, tọa độ, nhưng hiện nay là giao trên thực địa), hoặc các hộ dân thiếu lâm bạ gốc, giấy tờ chuyển nhượng…

Vườn ươm cây keo giống ở Yên Thành.
Vườn ươm cây keo giống ở Yên Thành.

Ở huyện Đô Lương diện tích rừng không lớn, rừng của từng hộ dân chỉ khoảng 1 ha và có nhiều hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ,  nên nguồn vốn vay của chương trình chưa được nhiều. Ông Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Do diện tích đất quy hoạch của án trồng rừng chủ yếu chưa có GCNQSDĐ và việc thiết lập và phê duyệt phương án giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân tham gia trồng rừng mất nhiều thời gian nên dự án ở huyện triển khai chậm. Hiện huyện đã  cấp được 513 GCNQSDĐ với diện tích gần 610 ha. Hiện nay còn  72 GCNQSDĐ với diện tích hơn 91 ha chưa được cấp GCNQSDĐ là do không đủ điều kiện và đang xảy ra tranh chấp”.

Riêng ở huyện Thanh Chương, người dân được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thuận lợi nhất, vì phần lớn các hộ có rừng đã được cấp GCNQSDĐ. Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo  các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc để đẩy nhanh công tác cấp GCNQSDĐ cho người dân  trong vùng dự án. Một trong những tác động tích cực thúc đẩy công tác triển khai nhanh, đó là dự án hỗ trợ việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho người dân.  Sau khi đo đạc, giao đất, công tác cấp GCNQSDĐ được đẩy mạnh. Tân Kỳ đã cấp cho hộ dân 147 GCNQSDĐ với diện tích hơn 852 ha; Diễn Châu cấp  334 GCNQSDĐ với diện tích gần 682 ha; Yên Thành 383 GCNQSDĐ với diện tích gần 454 ha… Với việc triển khai nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ tại 5 huyện, thì người dân đã được cấp 1.625 GCNQSDĐ với diện tích hơn 3.317 ha đất rừng.

Nhờ việc đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ,  đã “khơi thông” nguồn vốn, nên Ngân hàng đã kịp thời giải ngân cho người dân đầu tư vào trồng rừng. Năm 2014, Ngân hàng Chính sách tỉnh đã giải ngân được hơn 4.558 triệu đồng và năm 2015 giải ngân được  hơn 608 triệu đồng.  Riêng Phòng giao dịch  huyện Tân Kỳ cũng đã cho 386 lượt hộ dân ở 7 xã vùng dự án vay 13.882 triệu đồng đầu tư trồng rừng. Thanh Chương trong 2 năm  (2013 – 2014) đã giải quyết cho 432 hộ vay 20.743 triệu đồng và trồng hơn 1.860 ha rừng. Bà Trần Thị Hương, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ Tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: “Do quy định của dự án phát triển ngành Lâm nghiệp nên ngành Ngân hàng giải ngân theo tiến độ cấp GCNQSDĐ. Thời gian qua, thông qua hệ thống của Ngân hàng CSXH, tại 6 huyện trong vùng dự án phát triển lâm nghiệp đã có 2.093 lượt hộ dân được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 63 tỷ đồng để trồng gần 6.150 ha rừng. Trong quá trình vay vốn, ngành Ngân hàng và các cấp, ngành liên quan đã phối hợp cùng thực hiện công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn, đáp ứng được các quy định của dự án”. 

Với những quy định chặt chẽ của dự án phát triển ngành Lâm nghiệp và sự tích cực của các ngành, địa phương trong việc cấp GCNQSDĐ, người trồng rừng không những được vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn yên tâm, gắn bó lâu dài với rừng. 

Hoàng Vĩnh