Hôm qua 24-11, ông Trần Song Hải - phó chủ tịch thường trực Hội Cổ động viên (CĐV) bóng đá VN - cho biết tất cả thành viên chủ chốt của Hội CĐV bóng đá VN đã ký vào bức thư gửi đến Liên đoàn Bóng đá VN (VFF).

770480_small_68473.jpg

CĐV đã khóc khi chứng kiến trận thua 1-4 của tuyển U-23 VN trước U-23 Myanmar - Ảnh: S.H.

Nội dung thư đề nghị ông Trần Quốc Tuấn - tổng thư ký VFF kiêm trưởng đoàn bóng đá VN tại SEA Games 26 - và HLV trưởng Falko Goetz từ chức vì những thất bại của tuyển U-23 VN. Chúng tôi xin trích đăng nội dung thư:

“Có lẽ ngặt nghèo lắm chúng tôi mới gửi đến VFF lá thư này, bởi đây là cả tâm huyết, trái tim và tình cảm của hàng triệu người hâm mộ bóng đá VN mà Hội CĐV bóng đá VN đại diện. Mấy ngày qua, đi đâu, lúc nào chúng tôi cũng đau đáu hai chữ buồn bã vì người lớn, học sinh đến trẻ con, thậm chí bà bán hàng phở, đều nhắc đến thất bại thảm hại của U-23 VN. Mỗi dịp đội tuyển hay U-23 lên đường thi đấu, cả nước đều dõi theo từng bước chân cầu thủ. Vì ở đó là màu cờ sắc áo, là “tiền tuyến” mà bất cứ người dân nào cũng mất ăn mất ngủ do lòng tự hào dân tộc và tình yêu vô bờ bến dành cho bóng đá.

Vì vậy chúng tôi cũng dễ bị tổn thương hơn khi chứng kiến thất bại ê chề, rát mặt và bạc nhược của U-23 VN tại SEA Games 26. Dẫu biết rằng thất bại là chuyện thường tình trong một cuộc chơi, nhưng có những thất bại “bi tráng” vì ở đó có dấu ấn của sự lăn xả, có nỗ lực đến giây phút cuối cùng. Còn ở U-23 VN lần này, đó là sự bạc nhược của một tập thể thiếu sức sống, thiếu khát vọng và xem nhẹ màu cờ sắc áo quốc gia, thất bại này quả là đáng xấu hổ.

... Sau thất bại tại Indonesia, chúng tôi có nghe lãnh đạo VFF và HLV Falko Goetz xin lỗi người hâm mộ, thiết nghĩ đó là động thái mà VFF và ban huấn luyện phải làm. Nhưng ngoài hai từ xin lỗi, buộc VFF phải tổ chức mổ xẻ, chỉ mặt đặt tên những người có liên quan và chịu trách nhiệm cụ thể và càng không thể chỉ là mấy chữ “rút kinh nghiệm hay rút ra bài học sâu sắc” chung chung. Nhìn về quá khứ, chúng ta đã không ít lần thất bại, từ sự kiện U-23 bị loại tại vòng bảng ở SEA Games Malaysia 2001 cho đến vụ mua bán độ 2005 tại Bacolod, Philippines và thất bại của U-23 tại SEA Games Thái Lan năm 2007... trách nhiệm đều đổ lên đầu HLV trưởng mà chưa chỉ ra được nguyên nhân thất bại xuất phát từ cả một nền bóng đá. Đó còn là thất bại do thiếu tầm chiến lược và sự đầu tư bài bản mà chính các quan chức VFF phải chịu trách nhiệm, bên cạnh việc “trảm” HLV.

Mười năm trước, kể từ thời điểm U-23 VN thất bại tại SEA Games Malaysia cho đến nay, chúng ta đã rút kinh nghiệm kiểu gì, khắc phục bài học sâu sắc như thế nào mà đến SEA Games lần này chúng ta trình làng một đội bóng với thể hình thấp bé, kỹ thuật chuyên môn chỉ “thường thường bậc trung” tồn tại trong một tập thể thiếu sức chiến đấu?

Ông Trần Quốc Tuấn đã gần hai nhiệm kỳ, với vai trò “quân sư” trong bộ máy VFF đã làm gì mà tại các điểm nóng của bóng đá nước nhà như những vụ lùm xùm ở V-League trước đây, sự cố U-23 VN ở SEA Games 23 (Philippines), U-23 VN thua thảm bại ở SEA Games 24... không thấy ông xuất hiện và lên tiếng với dư luận? Đương nhiên khi cầm quân, HLV phải được trao quyền, nhưng hơn ai hết, chúng ta phải hiểu mình và biết can thiệp theo cách tư vấn cho HLV. Vậy lúc ấy vai trò của ông trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn ở đâu? Ông đã nói với HLV Goetz điều gì? Ông trưởng đoàn đả thông tư tưởng cho cầu thủ như thế nào mà mỗi trận đấu là một màn trình diễn rối rắm thiếu sức sống?

Thực tế, U-23 VN đã thất bại nặng nề. Xét về mục tiêu, chúng ta đã không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy với tất cả lòng tự trọng của một người làm chuyên môn, của vị trưởng đoàn cũng đủ để HLV trưởng như ông Falko Goetz và tổng thư ký Trần Quốc Tuấn nói lời từ chức. Người hâm mộ chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa để có thể nghe mãi điệp khúc “xin lỗi và rút kinh nghiệm” được. Ngay từ bây giờ, chúng tôi cần những con người biết chịu trách nhiệm, miệng nói tay làm, cần VFF tái cấu trúc bộ máy, tìm ra những người xứng đáng hơn để kịp kéo nền bóng đá VN đi lên và tránh bị tụt hậu”.

(Theo Tuổi trẻ)