Trên đây là những đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với lãnh đạo huyện Nam Đàn khi đánh giá về kết quả sau 2 năm Nam Đàn thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/6/2017 của BTV Tỉnh ủy (từ đây gọi là NQ 07) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Nghị quyết số 07-NQ/TU ra đời cách đây 2 năm trong bối cảnh, kinh tế - xã hội của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đó là kinh tế chưa có sự đột phá, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sản phẩm chủ lực; công nghiệp quy mô nhỏ, tiểu thủ công nghiệp tự phát; phát triển du lịch dịch vụ, thu hút đầu tư còn yếu... Với việc ban hành NQ 07, BTV Tỉnh ủy định hướng xây dựng huyện Nam Đàn phát triển vững mạnh, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao; Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 07, Nam Đàn đã đạt các kết quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5%; Tổng giá trị sản xuất đạt 6.908,20 tỷ đồng (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách đạt 163,668 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,21%; huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 07, Nam Đàn đã đạt các kết quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,5%; Tổng giá trị sản xuất đạt 6.908,20 tỷ đồng (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách đạt 163,668 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,21%; huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025.
Với mục tiêu xây dựng Nam Đàn trở thành trung tâm du lịch quốc gia, Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU ngày 20/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch Nam Đàn giai đoạn 2016-2020 và rà soát, bổ sung các nội dung của Nghị quyết 07 vào chương trình kế hoạch thực hiện hàng năm. Theo đó, một số công trình hạ tầng du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng như: Tuyến đường từ Quốc lộ 46 đi lên chùa Đại Tuệ; đường từ chùa Đại Tuệ nối với Khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan; các tuyến đường thuộc dự án ngập lũ tỉnh Nghệ An (vùng Năm Nam); hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.
Một số di tích được tu bổ và mở rộng khuôn viên như: Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Đền Vua Mai, Nhà Tả vu Khu lăng mộ Vua Mai, trùng tu đình Đức Nậm kết hợp xây dựng sân khấu để biểu diễn dân ca Ví, Giặm... Đối với đề án xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm, qua khảo sát đã xác định được một số sản phẩm và huyện đã mời các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp và các sản phẩm từ nông nghiệp về khảo sát, nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như: lạc tại Nam Cường, Vân Diên; hồng và bột sắn dây Nam Anh; chanh Nam Kim để sản xuất thành hàng hóa phục vụ du khách.
Thông qua công tác đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, BCH Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện các chủ trương theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến theo sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị, đưa được nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn. Đến nay, tổng diện tích đất trồng cây hằng năm có giá trị thu nhập trên 75 triệu đồng/ha/năm là 10.097 ha, chiếm 82%. Trong đó diện tích có giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm là 4.890 ha, chiếm 40%. Hình thành được 15 cánh đồng thâm canh sản xuất trên các giống lúa có năng suất và có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi tại các xã như Nam Lộc, Khánh Sơn, Kim Liên, Nam Thanh; 12 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như ứng dụng hệ thống tưới, xây dựng nhà lưới, nhà màng vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Nam Phúc, Nam Anh, Kim Liên, Vân Diên, Nam Tân..
Một trong những kết quả dấu ấn nhiệm kỳ qua của huyện Nam Đàn chính là địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đánh giá của đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn và có sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước cũng như nguồn đóng góp ngoại lực. Thời gian tới khi huyện Nam Đàn tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước thì cần phải xác định rõ hơn yếu tố nội lực và ngoại lực để phát huy tối đa hiệu quả, giúp cho địa phương phát triển toàn diện và vững chắc.
Thực tế cho thấy, sau 2 năm huyện Nam Đàn thực hiện NQ 07, một số chỉ tiêu không đạt hoặc khó đạt. Đơn cử, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người mới đạt 43 triệu đồng/người/năm, trong khi mục tiêu Nghị quyết là đến năm 2025 sẽ đạt từ 110 - 115 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn cách xa mục tiêu; thu ngân sách trên địa bàn còn thấp.
Mặc dù xác định du lịch dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn nhưng hiện nay huyện chưa được xây dựng các đề án đã đề ra như: Phát triển các tour, tuyến du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển hệ thống trang trại sinh thái tổng hợp kết hợp dịch vụ du khách; Đề án đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ có công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch Nam Đàn. Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp đã quy hoạch song chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư. Công tác quy hoạch điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung còn khó khăn, việc phát triển làng nghề, làng có nghề và phát triển các ngành nghề dịch vụ còn hạn chế.
Đặc biệt, theo lưu ý của lãnh đạo tỉnh thì đến nay huyện Nam Đàn vẫn chưa hoàn thành xong công tác quy hoạch như: xây dựng vùng huyện Nam Đàn; quy hoạch mở rộng thị trấn Nam Đàn; quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Kim Liên tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Theo Bí thư Huyện ủy Nam Đàn - đồng chí Bùi Đình Long, một trong những nguyên nhân khiến các chỉ tiêu đề ra của địa phương chưa đạt như kỳ vọng là do một số phòng, ban cấp huyện thiếu tích cực trong tham mưu và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ; chưa tích cực bám nắm để tháo gỡ các vướng mắc, tranh thủ sự ủng hộ của các sở, ngành cấp tỉnh và các tập đoàn, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cấp trên chưa nhiều, chưa thật sự sâu sát, quyết liệt.
Để Nam Đàn thực hiện có hiệu quả NQ 07, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã yêu cầu huyện phải đánh giá lại một số vấn đề trọng điểm; như xem xét việc phát huy nội lực của địa phương cũng như sự đầu tư từ bên ngoài; lãnh đạo huyện phải có giải pháp đối với công tác quy hoạch, cơ cấu kinh tế của địa phương hướng giảm dần tỷ trọng công - nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng du lịch gắn với dịch vụ. Cùng đó, lãnh đạo địa phương cần chủ động trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế; phát huy lợi thế để thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực biến mục tiêu thành cơ hội bứt phá.