(Baonghean) - Sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đưa ra án phạt rất nặng đối với 6 cầu thủ của Đồng Nai về tội dàn xếp tỷ số trong trận gặp Than Quảng Ninh (ngày 20/7/2014), trong đó có việc cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn do VFF tổ chức, như thế có nghĩa là sự nghiệp quần đùi áo số của họ đã khép lại. Chợt liên tưởng tới câu chuyện mà dư luận trong nước đang quan tâm lúc này, đó là ở đâu có HAGL thi đấu thì ở đó lại lên cơn sốt vé. Vậy 2 vấn đề rất trái ngược này có liên hệ gì với nhau?
 
Đầu tiên phải nói rằng, V-League năm nay có một sự thay đổi đáng kể, đó là tình trạng sốt vé. Đây là chuyện đáng mừng. Mừng vì số lượng vé bán ra càng nhiều thì doanh thu của từng đội bóng, của BTC sẽ càng tăng, cũng nhờ đó bài toán “lấy bóng đá nuôi bóng đá” phần nào đã có đáp án. Hơn nữa khi nền bóng đá phát triển, tình yêu của người hâm mộ dành cho đội bóng càng lớn thì sức hút của những bản hợp đồng quảng cáo, bản quyền truyền hình, bán đồ lưu niệm, áo đấu… của đội bóng sẽ tăng lên.Và đây là những khoản thu nuôi sống các câu lạc bộ của những nước có nền bóng đá phát triển.
 
Nhưng không phải vậy, V-League hiện nay tình trạng sốt vé chỉ xảy ra khi và chỉ khi sân đó có các cầu thủ trẻ HAGL thi đấu, còn những trận đấu không có HAGL thì việc kéo được mấy nghìn người vào sân cũng là chuyện khó tựa mò kim đáy biển, tất nhiên là trừ những câu lạc bộ có truyền thống được người dân địa phương yêu thích như SLNA, Thanh Hóa, Hải phòng…
 
images1152890_dsc_0183.jpgTrận đấu giữa SLNA và HAGL đã thu hút rất đông khán giả tới sân Vinh. Ảnh ĐC
 
Lấy ví dụ ở trận đấu giữa SLNA và HAGL ở sân Vinh vừa rồi, để kiếm được 1 tấm vé từ ban tổ chức, nếu không mua được từ đường công văn, người hâm mộ phải vất vả chờ chực ở các điểm bán vé mấy tiếng đồng hồ để mua. Nhưng không phải ai cũng có kiên nhẫn và đảm bảo sức khỏe để chờ lâu như vậy, trong khi lại muốn vào sân xem các thần tượng thi đấu nên đành phải tìm đến “cò” hỏi mua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sức hút của HAGL lớn đến thế? Dù rằng theo đánh giá của nhiều người thì “những đứa trẻ nhà bầu Đức” chưa đủ lớn để đá ở V-League.
 
Thứ nhất, không thể phủ nhận rằng, từ khi trình làng lứa cầu thủ này, người hâm mộ bóng đá nước nhà đã “say như điếu đổ” bởi họ rất tài năng, lại được đào tạo bài bản theo “tiêu chuẩn châu Âu”. Đặc biệt là mấy giải U19 liên tiếp, họ trình diễn một thứ bóng đá vô cùng đẹp mắt, hiệu quả và thuyết phục người hâm mộ rằng “tương lai” bóng đá nước nhà là đây, và chỉ có lứa cầu thủ này mới làm cho người hâm mộ tin tưởng rằng bóng đá Việt Nam thoát khỏi cái “ao làng” Đông Nam Á để vươn ra “biển lớn”. Thậm chí có người lạc quan còn nghĩ tới việc sẽ được xem Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đá ở World Cup. Chính vì thế nên khi bầu Đức thông báo đưa lứa U19 tham gia V-League người hâm mộ đã háo hức chờ đợi để được thấy “tương lai” của làng bóng đá Việt thi đấu.
 
Thứ 2, sự vào cuộc “quá đà” của giới truyền thông dành cho họ đã vô tình gây ra hiệu ứng đám đông. Bởi có không ít người chen chúc mua vé vì tò mò, vì muốn xem mặt thần tượng. Nhưng dù sao, phải nói rằng từ khi HAGL xuất hiện ở đấu trường V-League và trình diễn một thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến đến mức hồn nhiên là nét mới ở giải đấu cao nhất quốc gia năm nay. Và vì thế họ xứng đáng được người hâm mộ đón đợi vào mỗi dịp cuối tuần.
 
Trở lại với câu chuyện của 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị VFF đưa ra những phán quyết rất nặng mà nếu không kháng án thành công thì sự nghiệp quần đùi áo số của họ coi như chấm dứt. So với lứa cầu thủ HAGL, rõ ràng những cái tên như Nguyễn Thành Long Giang (SN 1988); Nguyễn Đức Thiện (SN 1988) hay Phan Lưu Thế Sơn (1991)… đều là bậc đàn anh. Nhưng họ lại rủ nhau bán độ để lấy tiền tiêu xài mà “quên” mất một điều là mình đang lừa dối người hâm mộ. Và khi vừa đá bóng vừa diễn kịch như vậy thì thử hỏi còn ai đến sân xem họ thi đấu?
 
Đó là những người “không may” bị phanh phui trong một trận đấu cụ thể, còn thực tế con số bao nhiêu người, bao nhiêu trận có “mùi” nữa thì chỉ có trời mới biết. Chỉ biết rằng trong vài năm trở lại đây không thiếu những biểu hiện tiêu cực đã làm xấu đi hình ảnh bóng đá nước nhà, điển hình là vụ bán độ ở SEA Games 23; vụ bán độ của 9 cầu thủ Ninh Bình ở trận đấu trong khuôn khổ AFC Cup với đội Kelantan (Malaysia)…
 
Tất nhiên không thể đánh đồng với tất cả những cầu thủ đang chơi ở V-League bởi đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng từ điều này cũng để thấy rằng, muốn mọi trận đấu đều là những “cơn sốt vé” thì bản thân từng cầu thủ phải nỗ lực thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm với nghề nghiệp của bản thân mình và đặc biệt là vì người hâm mộ.
 
Cảnh Nam