(Baonghean.vn) - Mô hình Trường tiểu học mới thuộc Dự án GPE-VNEN được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu, được triển khai thí điểm ở 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc từ 6/2012 đến 6/2015. Năm nay tại tỉnh Nghệ An, mô hình được triển khai ở 73 trường, trong đó thành phố Vinh có 2 trường.

 

Những bước chuẩn bị

 

Mô hình Trường tiểu học mới là mô hình áp dụng phương pháp giảng dạy mới, thay thế phương pháp dạy truyền thống. Ở mô hình này học sinh giữ vai trò trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn và đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức. Đây là mô hình hiện đại, rèn luyện tính độc lập, sự tự tin, đồng thời kích thích sự sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, để mô hình thành công cần sự đồng hành của cộng đồng xã hội, của phụ huynh và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ngành Giáo dục tỉnh nhà.


Các trường tiểu học được chọn thí điểm tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh. Để học sinh được thụ hưởng tốt nhất lượng kiến thức của bài học thì quá trình tự học, tự giáo dục của học sinh là trung tâm của hoạt động trong bài giảng. Bên cạnh đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, chú trọng tự đánh giá, đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập của học sinh cũng là nội dung chính của mô hình này.

 

Để việc thí điểm đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT cần bảo đảm học sinh lên lớp 2 đã đạt chuẩn năng lực tiếng Việt, chỉ đạo tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, trường và cụm trường. Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng tài liệu Hướng dẫn học tập để tự học, tự đánh giá. Tổ chức cho học sinh hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kĩ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác, chính là phương pháp làm việc theo nhóm giúp các em phát huy tính tự lập và khả năng sáng tạo. Giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn học sinh khi cần thiết.




Học sinh lớp 3a Trường tiểu học Hưng Dũng 1- Nơi được chọn thí điểm theo Mô hình Trường tiểu học mới.
 

2 trường ở Thành phố Vinh được chọn thí điểm cho mô hình này là Trường tiểu học Hưng Dũng 1 và Trường tiểu học Nguyễn Trãi. “Sở dĩ được chọn thí điểm vì 2 ngôi trường này là trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, và là trường trọng điểm của Thành phố. Với cơ sơ vật chất được đánh giá đáp ứng gần chuẩn với điều kiện của việc dạy và học theo mô hình” Trưởng phòng giáo dục Thành phố Vinh - Thái Khắc Tân cho hay.

 

Khi được hỏi về việc chuẩn bị cho việc dạy và học theo mô hình mới ở toàn bộ khối lớp 2 và 3, cô Bùi Thị Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, cho biết: “Thực tế trường cũng đang trong quá trình chuẩn bị và cũng chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án. Dự án chỉ mới hỗ trợ cho việc tập huấn giáo viên, cho nguồn tài liệu giảng dạy. Với mô hình mới, nội dung cơ bản nhất vẫn là đổi mới phương pháp dạy học còn các điều kiện về cơ sở vật chất thì thực tế trong điều kiện hiện nay chúng ta chỉ đáp ứng được phần nào”.

 

Để chuẩn bị cho những tiết học đầu tiên theo mô hình mới, Trường chỉ mới tổ chức họp phụ huynh, tuyên truyền và phổ biến nội dung để phụ huynh hiểu và đồng hành. Còn những yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất như phòng học tối thiểu phải rộng 40m2, trong lớp học phải có thư viện mini, phải có những đồ dùng trực quan sinh động, phải có giá lưu những sản phẩm của học sinh sau mỗi bài học,v.v... thì hiện tại chưa được đáp ứng.

 

Băn khoăn từ phụ huynh

 

Một phụ huynh có con học ở lớp 2A Trường tiểu học Hưng Dũng 1, cho biết: “Khi được phổ biến là đầu năm nay cháu sẽ được học theo phương pháp mới, tôi có đôi chút phân vân, vì đã là thí nghiệm hẳn sẽ có thành công hoặc thất bại. Nếu không thành công thì các cháu có được dung nạp đủ kiến thức của khối lớp 2,3 không ?”. Về vấn đề này cô Trang cho biết: “Khi học theo phương pháp mới Bộ GD-ĐT sẽ tài trợ toàn bộ Tài liệu giảng dạy và những tài liệu này chỉ biên soạn phương pháp dạy và học sao cho hiệu quả và sáng tạo nhất, còn lượng kiến thức thì hoàn toàn như sách giáo khoa hiện hành. Phụ huynh có thể photo toàn bộ tài liệu và cùng đồng hành với con em mình”.

 

Ngoài ra, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chưa tuyên truyền cho phụ huynh thấy được cái ưu việt của phương pháp giảng dạy theo mô hình mới nhưng đã kêu gọi sự đồng hành của phụ huynh trong việc tự chủ kinh phí để trang bị phòng học theo điều kiện giảng dạy mới. Điều đó khiến phụ huynh thắc mắc và muốn được giải đáp. Về vấn đề này thầy Tân cho hay: “Thực ra điều kiện về cơ sở vật chất chúng ta chưa thể đáp ứng ngay, và Phòng Giáo dục thành phố cũng chủ trương chỉ đạo chỉ thu học phí với mức thu như các năm trước, không có chủ trương thu thêm khi thực hiện giảng dạy theo mô hình mới. Khi phụ huynh đã hiểu thì việc đóng góp kinh phí chi là một phần nhỏ trong quá trình đồng hành đó. Để thực hiện mô hình mới, việc trang bị cơ sở vật chất không mang tính quyết định”.


Mô hình mới này đã thành công ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, hơn nữa đây là mô hình được tài trợ cho nên các trường được chọn làm thí điểm phải thực sự thấy đây là vinh dự, quyền lợi và trách nhiệm mà nỗ lực phấn đấu và đi tiên phong để có hiệu quả cao. Thầy Tân cũng cho biết: “Phòng đang tập trung chỉ đạo để 2 trường trọng điểm này thực hiện tốt việc thay đổi phương pháp dạy và học cho khối 2 và 3, tôi tin mô hình sẽ thành công trên hai trường điểm này và việc nhân rộng là nhu cầu thiết yếu từ chính cộng đồng”.

 

Ngoài tính ưu việt của phương pháp dạy học mới, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ngành học, sự nỗ lực của các trường điểm, rất cần sự đồng hành của phụ huynh, và hơn thế nữa là sự quan tâm của toàn xã hội để mô hình Trường tiểu học mới không chỉ thành công ở các trường chọn, ở giai đoạn thí điểm, mà sẽ trở thành phong trào, thành xu thế phát triển tất yếu của nền giáo dục Việt Nam .


Thanh Nga