(Baonghean) - Về bản bây giờ thấy có một điều lạ, là các cháu nhỏ chỉ biết nói tiếng Kinh, mặc dù cha mẹ đều là người dân tộc thiểu số. Tôi đã đi qua nhiều bản vùng cao người Thái, thấy nhiều nơi các bậc cha mẹ đều rất có “ý thức” dạy tiếng phổ thông cho trẻ từ khi các bé mới học nói...

Một bà mẹ ở bản Xằng Trên (Mỹ Lý – Kỳ Sơn) chia sẻ, việc dạy tiếng phổ thông cho trẻ từ sớm là một điều tốt. Làm vậy, trẻ sẽ  đỡ bỡ ngỡ hơn khi đi học. Nhiều bà mẹ  đều tin rằng trẻ sẽ thông mình hơn nếu  được sớm tư duy bằng tiếng phổ thông. Chính vì vậy, có nhiều bà mẹ rất cố  gắng trong việc đưa tiếng Kinh vào ý thức của con trẻ.

Khi về bản gặp lại nhiều em nhỏ người Thái sinh trưởng vào thập niên 1990, qua một vài cuộc kiểm tra khi giao tiếp, không ít em đã không biết những khái niệm về màu sắc hay con vật như voi, hổ bằng tiếng Thái.

  Để không xa dần tiếng mẹ đẻ ảnh 1

                     Các em học sinh dân tộc Thái học chữ mẹ đẻ của mình Trong những cuộc họp bản, nhiều bạn trẻ cũng dùng tiếng phổ thông để phát biểu  ý kiến. Họ nói rằng phát biểu bằng tiếng Kinh dễ dàng trình bày ý kiến hơn. Vấn đề về vốn từ không chỉ xảy ra với các bạn trẻ mà còn ở số người lớn tuổi. Bà Phúc ở bản Chắn xã Thạch Giám (Tương Dương) đã ngoài 70 tuổi, nói rằng bây giờ có  nhiều từ không có trong tiếng Thái, nên phải dùng tiếng Kinh để diễn đạt.

Việc dạy tiếng phổ thông cho trẻ từ sớm về mặt nào đó phù  hợp với việc giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn vì không phải qua giai đoạn làm quen với tiếng Việt như thế  hệ chúng tôi trước đây. Nhưng về lâu về  dài, điều này sẽ khiến trẻ xa dần tiếng mẹ  đẻ, như trường hợp các em nhỏ không biết tên các màu sắc hay những con vật... vốn rất gần gũi với cuộc sống núi rừng.

Khi về những bản Mông ở  Kỳ Sơn thì thấy rằng hầu như không có  tình trạng này. Trong ngày hội xuân, vẫn nghe trai gái Mông hát những điệu giao duyên cổ xưa. Một điều nữa khiến tôi thấy rất thú vị, khi về những bản Mông thấy các thiếu nữ vẫn cầm những chiếc  điện thoại có chức năng nghe nhạc mở những bài hát tiếng Mông. Điều này tuyệt nhiên không thấy  ở các bạn trẻ người Thái, mặc dù vốn cổ âm nhạc của người Thái cũng rất phong phú…

Để gần gũi hơn với văn hóa của đồng bào dân tộc, nhiều cán bộ miền xuôi đang rất tích cực học tiếng dân tộc, ấy vậy mà một bộ phận không nhỏ những người bản đang hướng con cháu thế hệ sau xa dần tiếng mẹ đẻ. Đó theo tôi cũng là điều cần được suy nghĩ lại! 

Vi Văn Chồông