Đón đầu dòng vốn FDI
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh, cộng với bất ổn ở châu Âu đã đẩy giá dầu thô tăng chóng mặt, dẫn đến lạm phát tăng cao, khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị tê liệt.
Trước bối cảnh này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn trong việc tìm kiếm thị trường đầu tư mới nhằm phân tán rủi ro và giảm sự phụ thuộc vào một vài quốc gia, đối tác riêng biệt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam đưa ra các cơ chế, chính sách để thu hút dòng vốn từ các nền kinh tế lớn này.
Thực tế hiện nay cho thấy, dòng vốn FDI đã có sự dịch chuyển đến khu vực châu Á, một trong những khu vực đầu tư an toàn. Để thu hút được dòng vốn này, bản thân Việt Nam nói chung và các tỉnh đang có quỹ đất phục vụ cho công nghiệp lớn như Nghệ An nói riêng cần phải có những chiến lược và chính sách phù hợp, đảm bảo một môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Năm 2021 mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã cấp mới cho 106 dự án đầu tư, điều chỉnh 118 dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 28.072,80 tỷ đồng.
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 22/2/2022), tỉnh cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký là 954,67 tỷ đồng. Điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án với số vốn tăng lên 9.292,24 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10.246,91 tỷ đồng.
Để đón đầu dòng vốn đầu tư FDI, trong năm 2021 UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư giữa các nhà đầu tư Đài Loan với tỉnh Nghệ An vào ngày 14/5/2021 tại Hà Nội. Phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo giao thương trực tuyến kết nối đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc vào ngày 10/11/2021. Nhờ vậy mà tính đến thời điểm hiện nay đã có 102 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2.077,3 triệu USD.
Các dự án đầu tư những năm qua là nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển; đóng góp ngày càng lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn và tổng thu ngân sách của tỉnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng KCN lớn đến từ nước ngoài như KCN VSIP, KCN WHA… có tác động thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong tỉnh thay đổi tư duy, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với tình hình mới.
Thay đổi cách tiếp cận
Có thể thấy rằng, hiện nay dư địa để phát triển của Nghệ An còn nhiều, nhất là tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực, tuy nhiên việc thu hút nguồn vốn FDI còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả cải cách hành chính chưa rõ nét.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam thì, đây là thời điểm tốt nhất để thu hút dòng vốn FDI, tuy nhiên không chỉ riêng Nghệ An mà hiện nay nhiều tỉnh cũng đang tập trung đẩy mạnh thu hút FDI dựa trên những lợi thế so sánh. Vì thế để không bị vuột mất cơ hội thu hút đầu tư tỉnh cần phải có những giải pháp trọng tâm và quyết liệt hơn để kịp thời đón dòng vốn đó. Cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa; phải tăng cường hỗ trợ các dự án đã, đang và sẽ hoạt động tại Nghệ An, bởi đó là kênh truyền thông hữu hiệu nhất đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài...
Chúng ta cũng cần phải tăng cường hợp tác với các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, và các tổ chức quốc tế để thông qua đó họ có thể hỗ trợ giới thiệu và kết nối những dự án có tiềm lực cho địa phương…
Tại huyện Diễn Châu, dù nằm ngoài KKT Đông Nam nhưng địa phương này cũng đã thu hút được 3 doanh nghiệp FDI vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thì cho rằng, song song với việc thu hút đầu tư của tỉnh, bản thân huyện cũng phải tăng cường liên kết, thu hút, mời gọi đầu tư. Chúng ta cũng cần phải tính đến phương án khi KKT Đông Nam được lấp đầy thì sẽ dịch chuyển ra các huyện vùng ven, vì thế điều quan trọng nhất là lập quy hoạch và bám sát quy hoạch đã được duyệt, để khi có nhà đầu tư vào sẽ sẵn sàng thực hiện ngay.
Nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, mới đây vào ngày 24/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 235/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào KKT Đông Nam, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1. Triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, KCN WHA giai đoạn 2 và tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các CCN đang hoạt động và 60% các CCN đang xây dựng.
Tỉnh cũng xác định rõ các nhà đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào KKT Đông Nam. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm, tập đoàn đa quốc gia, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường./.