(Baonghean) - Dân ca là kết tinh tình cảm, tâm hồn, tính cách, cuộc sống của con người mỗi vùng miền, điều đó làm nên những đặc sắc và nét khác biệt của dân ca các vùng miền. Chính điều này đã đưa dân ca là một nguồn tài nguyên du lịch, nhưng để trở thành sản phẩm du lịch lại cần nhiều yếu tố khác.

Dân ca xứ Nghệ vừa đặc sắc, vừa phong phú với nhiều làn điệu, điệu thức, kể cả tập Kiều, lẩy Kiều, ca trù...(vùng đồng bằng) và một kho tàng dân ca, dân vũ ở miền núi của các dân tộc anh em như Mông, Thái, Thổ, Khơ Mú, Đan Lai... Nét đặc sắc của dân ca xứ Nghệ rất nhiều mà trong một bài viết không thể nói hết, chỉ xin nêu vài nét tiêu biểu, như sự mộc mạc mà sâu lắng, bộc trực ngay thẳng như tính cách con người nơi đây "Giận thì giận mà thương thì thương/ Anh sai đường em không chịu nổi...".

Nét lạc quan và cả hồn nhiên, yêu đời pha chất nói trạng của người Nghệ cũng là nét độc đáo của dân ca xứ Nghệ: có những "hoạt cảnh" mà đôi lứa yêu nhau bị mẹ cha ngăn cấm, bị đánh đòn mà người con gái "đánh thì em chịu em vẫn nhất tâm theo chàng"... Về phong cách cũng rất đa dạng, vừa có phong cách bình dân lại có cả bác học như ca trù. Một thời xứ Nghệ là một trong những trung tâm sinh hoạt ca trù của cả nước và nay đã bắt đầu phục hồi. Mỗi làn điệu dân ca đều gắn với một không gian diễn xướng riêng. Chẳng hạn hát ví phường vải phải có nghề dệt vải, quay tơ nhưng hát ví đò đưa, hát giao duyên có thể trên sông nước, nơi có khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Ví phường vải xứ Nghệ tại Hội An (Quảng Nam). Ảnh: PV

Tuy vậy, chúng ta còn thiếu một số yếu tố để dân ca xứ Nghệ thành sản phẩm du lịch. Thứ nhất là còn thiếu một thị trường du lịch, ở đó các tổ chức, doanh nghiệp du lịch tìm đến liên kết với người tổ chức biểu diễn dân ca, cùng hướng đến mục tiêu chung là thu hút khách. Một số địa phương như TP Vinh, Nam Đàn cũng đã vài lần thử nghiệm đưa dân ca vào du lịch nhưng chưa duy trì và phát triển được do thiếu sự liên kết, nhất là vai trò của doanh nghiệp du lịch.

Nguyên nhân thứ hai là chưa chú trọng vào xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trong đó có sinh hoạt dân ca; khi sản phẩm du lịch hiện còn đơn điệu, nhàm chán thì đây chính là một giải pháp nhằm thu hút khách và "giữ chân" du khách mang tính lâu dài, góp phần khắc phục tính mùa vụ lâu nay. Thứ ba là chưa có cơ chế chính sách rõ ràng cụ thể để "nuôi" dân ca. Ví như ở Huế, các hoạt động ca Huế trên sông Hương và nghe Nhã nhạc cung đình ở các di tích đều được đưa vào tour du lịch bán cho khách, đội ca và chủ thuyền được "trả thù lao" ngay trên vé.

Hiện nay, nhiều địa phương cả miền xuôi và miền núi Nghệ An đã thành lập nhiều CLB đàn và hát dân ca, CLB ca trù – đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nếu có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch chắc chắn sẽ phát huy mạnh mẽ và tích cực. Khi đã thành sản phẩm du lịch, các CLB dân ca có điều kiện nâng cao cả trang thiết bị và trình độ nghệ thuật biểu diễn, càng ngày càng thu hút khách nhiều hơn. Và quan trọng là khi dân ca đã trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Nghệ An, chúng ta đã góp phần đưa dân ca về với cuộc sống, góp phần quảng bá dân ca đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Mai Hồ Minh