(Baonghean)- Nối tiếp đờn ca tài tử Nam bộ, nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh…, những làn điệu Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang kỳ vọng được trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. 

Cung - cầu chưa gặp nhau

Thúc đẩy du lịch thông qua các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống từ lâu đã được nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng… áp dụng. Sau khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh là một trong những đơn vị đi đầu có ý tưởng đưa các buổi biểu diễn Dân ca ví, giặm kết hợp với các dịch vụ nhà hàng phục vụ du khách trong khuôn viên các khách sạn cao cấp tại địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do chưa tìm được phương thức phù hợp, ý tưởng này vẫn đang nằm trên giấy.

Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví giặm Nghệ An giao lưu tại Báo Nghệ An - ảnh Đức Chuyên
Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví giặm Nghệ An giao lưu tại Báo Nghệ An - Ảnh: Đức Chuyên

Bà Võ Ngọc (quản lý truyền thông Tập đoàn khách sạn Mường Thanh - khu vực miền Trung) cho biết: “Với phương châm bảo tồn di sản văn hóa các vùng, miền Việt Nam, tập đoàn Mường Thanh luôn ủng hộ các chương trình giới thiệu văn hóa bản địa đến du khách, cũng như dự án xây dựng các di sản thành sản phẩm du lịch. Cụ thể là tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Tập đoàn Mường Thanh mong muốn quảng bá di sản Dân ca ví, giặm và đã chuẩn bị triển khai nguồn kinh phí nhất định để tổ chức các buổi biểu diễn. Nhưng kế hoạch này gặp phải khó khăn từ nhiều phía. Về phía nghệ sỹ, đội ngũ nghệ sĩ Dân ca ví, giặm chuyên nghiệp chưa nhiều, đang chủ yếu phục vụ cho các chương trình lớn của tỉnh, không sẵn sàng cho các hoạt động bên ngoài, và với dự án dài hơi của chúng tôi thì chi phí cho nghệ nhân còn tương đối cao. Các câu lạc bộ khó tập hợp đủ nhân lực để biểu diễn nhóm thường xuyên, do tính chất công việc riêng của họ. Về phía các đơn vị tổ chức nói chung, cũng cần đầu tư bài bản để nghiên cứu không gian diễn xướng, tạo dựng sân khấu gần gũi, phù hợp với loại hình nghệ thuật dân gian này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chúng tôi chưa nhận được các chương trình cụ thể và thiết thực từ các sở, ngành, đơn vị liên quan... để đưa Dân ca ví, giặm đến với du khách.”

Trao đổi với chúng tôi, một số thành viên trong các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm trên địa bàn tỉnh cho biết, các câu lạc bộ hầu như không nhận được những lời mời từ các doanh nghiệp, các nhà làm du lịch để cộng tác thường xuyên. 

Nếu như ở miền Tây Nam bộ, các câu lạc bộ đờn ca tài tử Nam bộ có “đất” để trình diễn hàng ngày trong các miệt vườn, hay như ở Huế, nghệ nhân ca Huế trên các chuyến đò dọc sông Hương vào mùa du lịch với tần suất liên tục, thì các thành viên câu lạc bộ Dân ca ví, giặm chủ yếu đang sinh hoạt để bảo tồn di sản, mỗi khi có dịp lễ mới tập hợp lại để biểu diễn. Một thành viên của CLB dân ca ở thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Mùa hè là mùa làm ăn kinh tế của ngư dân, nên đối với nhiều chương trình nhỏ lẻ mời hợp tác biểu diễn ví, giặm không đảm bảo thu nhập thì một số thành viên xin nghỉ để làm các dịch vụ khác”. 

Thí điểm nhưng chưa đồng bộ

Từ cuối tháng 4/2014, Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Nam Đàn đã triển khai kế hoạch thí điểm tổ chức trình diễn ví, giặm tại Khu di tích Kim Liên phục vụ khách du lịch. Lượng khách đông đảo đến với khu di tích và thưởng thức nghệ thuật dân ca độc đáo xứ Nghệ - Tĩnh đã cho thấy những tín hiệu khả quan trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Tuy nhiên, mô hình thí điểm này chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chính quy. Trung tâm văn hóa hiện là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ từ huy động cộng tác viên, chọn lọc các hạt nhân văn nghệ cho câu lạc bộ, vận chuyển sân khấu,… mà chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị khác.

Một buổi tập của CLB dân ca Nam Đàn. Ảnh: Trần Hải

Ông Phan Văn Tính - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nam Đàn cho biết: “Thành viên các CLB mỗi người một nghề nên việc tập hợp lại để thành lập câu lạc bộ biểu diễn bán chuyên nghiệp theo ngày, giờ cụ thể thường xuyên, cố định tại khu di tích là một vấn đề cần sắp xếp hợp lý”.

Bên cạnh đó, một điểm hạn chế biểu diễn ví, giặm phục vụ du khách được diễn ra thường xuyên, liên tục vào các ngày lễ và cuối mỗi tuần như chỉ đạo của sở là khu vực biểu diễn hiện đang ở ngoài trời, phụ thuộc vào thời tiết. Gặp thời tiết nắng nóng hay mưa đều gây cản trở đến những người thực hiện chương trình và khiến khách du lịch không mấy mặn mà. Nhiều hôm mưa lớn, các buổi biểu diễn bị hủy bỏ.       

Bước sang năm 2016, Trung tâm Văn hóa Nam Đàn tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp giữa huyện và Sở VH-TT&DL để mang Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh phục vụ du khách trở thành mục tiêu chiến lược lâu dài, với sự quan tâm của tất cả các ngành, các cấp, UBND huyện lẫn sự vào cuộc của các đơn vị tour du lịch. Trên cơ sở đó, có kế hoạch xây dựng khu vực sân khấu trong nhà, hệ thống âm thanh, phục trang và các cơ sở vật chất khác bài bản hơn, phục vụ du khách thường xuyên trong không gian diễn xướng ước lệ đặc thù, có thể giao lưu với nghệ sỹ đồng thời thưởng thức văn hóa, ẩm thực xứ Nghệ… để cảm nhận sâu sắc hơn về tâm hồn, giá trị của dân ca.

Ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế TST Travel cho rằng: “Công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Với vai trò là công ty lữ hành, chúng tôi sẵn sàng quảng bá sản phẩm du lịch hấp dẫn này. Các câu lạc bộ biểu diễn tại các điểm du lịch cũng phải đẩy mạnh liên kết với các tour của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh. Có như vậy, các câu lạc bộ sẽ phát triển bền vững, Dân ca ví giặm cũng có cơ hội phục vụ du khách tốt nhất”.

Như vậy, để Dân ca, ví giặm đến được với du khách, cần một “đầu tàu” để kết nối giữa các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ với các nghệ nhân, các câu lạc bộ Dân ca ví giặm và cải tiến khu vực biểu diễn hiện thời một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.

  Từ phía doanh nghiệp du lịch, bà Võ Ngọc - Quản lý truyền thông miền Trung của Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho biết, tập đoàn sẵn sàng tham gia vào các chương trình hợp tác đưa Dân ca ví, giặm đến gần hơn với du khách. Nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cũng kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ Sở VH-TT&DL, Trung tâm Bảo tồn Dân ca ví, giặm,  làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các nghệ nhân, các thành viên câu lạc bộ Dân ca ví, giặm, để thông tin giữa hai “đầu cầu” này đến được với nhau, giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các nghệ sỹ, câu lạc bộ để quảng bá rộng rãi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Hoàng Vân

TIN LIÊN QUAN