(Baonghean) -Hiện nay, cùng với nhu cầu lựa chọn các nguồn giống theo luồng để đưa vào sản xuất thì nông dân cũng đang lúng túng trước rất nhiều các nguồn giống và kênh giống khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trong sản xuất… Gia đình chị Trần Thị Hồng- xóm 3 Lĩnh Sơn hiện có 7 sào ruộng canh tác mỗi năm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu. Chị cho hay: “Cứ mỗi vụ sản xuất, tôi đăng ký mua 14 kg giống qua xóm, sau đó được ban nông nghiệp xã giao giống về tận xóm với từng hộ. Mua giống qua trạm thì được bảo đảm khi gặp rủi ro, nhưng nếu tự mua ngoài qua các kênh và đại lý bán lẻ thì giá giống rẻ hơn từ đến 1,5 ngàn đồng/kg. Nhiều người vẫn chủ động mua giống ngoài vì tiện lợi hơn”.Ông Lê Văn Tráng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết:  Toàn xã hiện có 300 ha 2 vụ lúa, để sản xuất, hợp tác xã đăng ký cho bà con mua 4 tấn lúa lai và 3 tấn lúa thuần qua trạm giống của huyện. Tuy nhiên, có nhiều hộ có xu hướng mua giống ngoài qua đại lý bán lẻ trên địa bàn, giá cả thấp, dễ trao đổi, nhất là nguồn giống cho sản xuất ngô xuân không có trợ giá của nhà nước nên phần nhiều bà con vẫn mua giống ngoài cho tiện. Tuy nằm trong luồng cơ cấu của xã song nguồn gốc, xuất xứ của giống tại các đại lý thì xã không thể kiểm soát.

Để đảm bảo chất lượng giống cây trồng cho nông dân ảnh 1

Nông dân Đô Lương chăm sóc mạ phủ nilon

Anh Sơn hiện có 5 ngàn-6 ngàn ha lúa+ ngô/hàng năm. Theo tìm hiểu,  hiện nay, nguồn giống từ Trạm Giống cây trồng đáp ứng khoảng 60 - 70 tấn/120 tấn lúa giống theo nhu cầu (Sin6, Nhị ưu 986, Nhị ưu 725 và lúa thuần), 30 tấn/60 tấn giống ngô, chủ yếu C919, NK66, DK99... còn lại đa số bà con phải tự túc mua giống ngoài qua các kênh cung ứng giống như trạm vật tư nông nghiệp, đại lý ốt bán lẻ, đại lý tư nhân giống Trung Thảo và mỗi xã đều có từ 1-2 hộ bán giống. Từ năm 2002 đến nay đã có hàng trăm ha ngô xuân có tỷ lệ nảy mầm thấp, kết hạt kém và hàng trăm ha lúa mùa gieo giống trên đồng đất không phù hợp tại các xã Phúc Sơn Lĩnh Sơn, Hội Sơn, Tường Sơn... theo nhận định của lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện thì các sự cố trên cho thấy khả năng thích ứng và khâu quản lý đầu vào chưa đảm bảo, công tác quản lý giống chưa chặt chẽ giống bán tràn lan.         Được biết hàng năm, trên địa bàn tỉnh ta có trên 195 ngàn ha canh tác 2 vụ lúa, hơn 20 ngàn ha ngô, tập trung phần lớn tại các vùng như Anh Sơn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Thị trường giống lúa trên toàn tỉnh hiện có từ 20-30 giống, trong đó 15 giống từ ngoài vào. Các đơn vị cung ứng giống chủ lực đó là Công ty Vật tư nông nghiệp, Công ty CP Giống cây trồng tỉnh, Công ty Giống cây trồng TW, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh. Bên cạnh đó, các tỉnh bạn và các công ty nước ngoài cũng đưa Giống vào bán tại tỉnh ta như Singenta, Trung Quốc, Ấn Độ. Thực trạng giống xấu, kém chất lượng theo các nhà chuyên môn và ban ngành nông nghiệp là do để quá vụ, sang bao đóng lại, hoặc thu hoạch, bảo quản kém, tỷ lệ hồi sinh mầm thấp….Ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT, cho hay: Trong định hướng chung, tỉnh gợi ý chỉ đạo mỗi huyện chỉ nên cơ cấu từ 4-5 giống, trên mỗi cánh đồng chỉ nên cơ cấu 1-2 giống để dễ làm thời vụ, vận hành chế độ tưới và quản lý sâu bệnh hại, nhất là các huyện  Diễn Châu, Thanh Chương, Yên Thành. Trên cơ sở bám đề án sản xuất của từng địa phương, tỉnh yêu cầu các huyện quán triệt cơ cấu giống gì bán giống đó, nhà cung cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về hợp đồng thử nghiệm giống. UBND tỉnh cũng đã có các văn bản yêu cầu UBND các huyện thành, thị, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm về chất lượng giống cây trồng trên địa bàn để hạn chế các lô giống kém chất lượng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chất lượng giống cây trồng cho nông dân, thời gian tới, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao kiến thức sử dụng giống cho nông dân, hoạch tính cơ cấu giống gì cho phù hợp... Được biết, thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm công tác đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất lúa thuần chất lượng cao, gạo tốt để khắc phục thế phụ thuộc nguồn giống nhập ngoại.

Lương Mai