(Baonghean) - Hiện nay, mô hình trồng ớt cay xuất khẩu tại huyện Anh Sơn đang mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Dự báo có thể phát triển, nhân rộng để hình thành vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều huyện, cây ớt đang bị thay thế bằng cây trồng khác khi nhà nông và doanh nghiệp không còn đồng hành cùng nhau. 

Những ngày này, người dân thôn 4, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn đang bước vào cuối vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Bên 2 sào ớt cay chín đỏ mọng đang vào vụ thu hoạch, chị Bùi Thị Minh cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, nhà tôi thu hoạch 6 lứa ớt đạt 1,8 tấn quả, giá bán được cán bộ Công ty  Đầu tư và Phát triển Napaga thu mua 5.500 đồng/kg, thu về trên 8 triệu đồng. Dự tính sản lượng ớt sau khi thu hoạch hết đạt gần 3 tấn quả, thu nhập trên 16 triệu đồng. Trên vùng đất này, cây ớt cay cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác như ngô, lạc, đậu đã được cơ cấu trước đó”. 

Mô hình ớt cay xuất khẩu tại thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn).
Mô hình ớt cay xuất khẩu tại thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn).

Cây ớt được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Napaga (thành viên của Công ty CP thực phẩm Nghệ An) đầu tư vùng nguyên liệu có cam kết hợp đồng kinh tế cụ thể đến từng hộ dân. Công ty cho bà con tạm ứng 700 ngàn đồng/sào chi phí giống, thuốc BVTV, miễn phí 50% chi phí đối với các hộ dân đạt năng suất từ 1 tấn/sào trở lên, miễn phí 100% cây giống  cho những hộ đạt năng suất 1,5 tấn/sào trở lên. Giá ớt thu mua cho dân theo cam kết ban đầu là 5.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Cây ớt khá thích nghi với vùng đất Anh Sơn. Mô hình thử nghiệm trồng ớt tại 2 xã dự tính năng suất cao, đạt 150 tấn quả. Hiện nay, huyện đang khuyến khích nhân rộng diện tích  ớt tại 2 xã Tường Sơn và Hoa Sơn.

Khác với Anh Sơn, ở nhiều huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ… lại đang thay thế cây ớt bằng cây trồng khác do doanh nghiệp không giữ đúng cam kết ban đầu với người dân, thậm chí bỏ cuộc. Bởi vậy, giữa người trồng  và đơn vị bao tiêu sản phẩm cần xác định trách nhiệm với nhau cụ thể, rõ ràng, hợp đồng phải có bảo lãnh để nông dân không phải “ăn ớt trừ bữa”. Thực tế cho thấy ớt đang “nhảy cóc” từ địa bàn này sang địa bàn khác và tính bền vững đang là dấu hỏi cho nhiều địa phương. 

 Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bính, cán bộ phụ trách kỹ thuật, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Napaga, cho biết: Để mô hình trồng ớt cay có hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu sang thị trường Hàn Quốc, công ty đã làm việc với UBND huyện và chính quyền địa phương các xã, có cam kết hợp đồng thu mua ớt cho dân trong 3 năm liên tục với giá cả biến động theo thị trường từng năm cụ thể. Hiện nay, mặc dù theo cam kết ngày 15/5 hết hạn thu mua ớt quả nhưng công ty vẫn tiếp tục gia hạn thu mua cho dân đến cuối vụ. Tạm thời có thể yên tâm với cây ớt ở huyện Anh Sơn nhưng liệu những năm tới, cây ớt có “nhảy cóc” nữa hay không?, đó là vấn đề cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cùng các ngành chức năng trong việc đồng hành cùng nông dân…

Lương Mai