Nhằm mục đích bảo tồn vàphát huy bản sắc âm nhạc của các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú trên địa bàn Nghệ An, vừa qua Viện Âm nhạc phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức một số lớp truyền dạy âm nhạc và múa dân gian ở hai huyện Kỳ Sơn và Con Cuông.

Đối tượng được truyền dạy chủ yếu tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Cho đến thời điểm hiện nay có thể nói những mục đích, yêu cầu đặt ra với các lớp học cơ bản đã đạt được nhưng để bảo tồn một cách bền vững bản sắc âm nhạc còn khá nhiều việc phải làm.

762894_small_52003.jpgTiết mục văn nghệ của đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Kỳ Sơn.
Chúng tôi có dịp chứng kiến niềm hân hoan, phấn khởi của các học viên và nghệ nhân truyền dạy ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Những nghệ nhân như Lầu Chống Dì, Moong Thị Lợi (Kỳ Sơn), Vi Thị Tân, Lương Văn Nghiệp (Con Cuông) đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", những tưởng điệu ca, điệu vũ, điệu khèn rồi sẽ phôi pha cùng năm tháng nhưng nay có dịp được cất lên rộn ràng giữa không gian bản mường. Những chàng trai, cô gái Thái, Mông, Khơ mú ở miền rẻo cao tưởng chừng đang xa dần "điệu hồn" của cha ông nhưng thực ra họ vẫn còn thiết tha gắn bó với truyền thống văn hoá dân tộc mình. Vì thế, đối với đồng bào, đây là dịp may để họ thực hiện việc trao truyền bản sắc âm nhạc giữa các thế hệ. Không khí của học tập ở các lớp học khá nghiêm túc, hầu như ai cũng ý thức được việc đến lớp là một cơ hội để tiếp nhận vốn quý của tổ tiên. Theo kế hoạch, sau thời hạn kết thúc, Viện Âm nhạc và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ về tận từng lớp để nghiệm thu kết quả và duyệt dự toán kinh phí.

Vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết này là việc bảo tồn, truyền giữ những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc sau khi khoá học kết thúc. Bởi lớp học diễn ra trong một thời gian khá ngắn (theo kế hoạch là 15 ngày, sau đó có lớp kéo dài ra 1 tháng), khoảng thời gian này chỉ đủ để các học viên làm quen chứ chưa thể tiếp nhận các kỹ năng biểu diễn một cách thuần thục. Bởi thế, sau khi kết thúc khoá học, nếu không được tập luyện thường xuyên rất dễ xẩy ra khả năng người học sẽ quên hẳn những kỹ năng mình được tiếp nhận. Đặc biệt, đối với lớp trẻ hiện nay đang bị chi phối bởi các phương tiện thông tin hiện đại, bên cạnh đó là áp lực của cuộc sống ngày một cao nên công tác bảo tồn, lưu giữ bản sắc âm nhạc càng trở nên khó khăn. Đến lúc này, thời gian, công sức và kinh phí bỏ ra sẽ trở nên lãng phí và vô ích.

Theo chúng tôi, sau khi nghiệm thu kết quả, ngành Văn hoá và chính quyền các cấp cần tổ chức thành lập các câu lạc bộ (CLB) Dân ca- Nhạc cụ dân tộc và trích ra một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo các CLB này hoạt động được thường xuyên. Ban Chủ nhiệm các CLB lên kế hoạch tập luyện, biểu diễn định kỳ, mua sắm thêm các loại nhạc cụ, trang phục và tổ chức giao lưu với các đơn vị bạn. Đồng thời, vào các dịp lễ tết, đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở cần tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hoá, văn nghệ, khuyến khích các tiết mục cổ truyền. Những việc làm trên sẽ góp phần tạo động lực để giúp đồng bào thêm yêu quý vốn văn hoá của dân tộc mình, từ đó việc bảo tồn, phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc được đảm bảo bền vững và có hiệu quả.


Công Kiên