(Baonghean) Ngày 10/11/1961, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ra Nghị quyết 175 thành lập Tòa soạn Báo Nhân dân Nghệ An; kể từ đó báo trở thành một bộ phận của cơ quan Tỉnh ủy, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...

Những năm qua, Báo Nghệ An đã kịp thời đi sâu đưa tin, phản ánh các mặt của đời sống xã hội tỉnh nhà, đậm nét và chủ đạo nhất vẫn là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Lần giở những trang Báo Nghệ An hơn nửa thế kỷ qua, cảm nhận nội dung các bài viết rất đa dạng, phong phú và khá sinh động. Bên cạnh những bài viết có tính lý luận tuyên truyền về chủ nghĩa Mác Lê Nin, về tư tưởng Bác Hồ, còn có những trang đậm đặc hào khí trong các kỳ đại hội của Đảng các cấp. Những sự kiện trọng đại này, Báo Nghệ An không chỉ đăng tải nghị quyết mà còn có bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng các cấp qua các thời kỳ. Đồng thời, báo cũng phát hiện, đăng tải kịp thời những kết quả, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.

784486_small_84877.jpg

Đồng chí Phan Đình Trạc lưu bút sổ vàng tại Phòng Truyền thống Báo Nghệ An.
                                                                      Ảnh: S.M.



                Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Báo Nghệ An. Ảnh: S.M

Để xây dựng niềm tin về tính gương mẫu, tiên phong của người đảng viên, Báo Nghệ An trong các thời kỳ luôn duy trì đều đặn chuyên mục "Gương sáng đảng viên" trên các lĩnh vực. Những năm gần đây, báo còn có chuyên mục "Tự phê bình và phê bình trong Đảng", và gần đây nhất là chuyên mục "Đưa Nghị quyết Trung ương IV vào cuộc sống"... Tất cả, đã góp phần quan trọng xây dựng niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân với Đảng trong cuộc sống.

Do yêu cầu mới, năm 1996, Báo Nghệ An được đổi tên mới, dưới măng sét ghi thêm: Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An - Tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An. Đến đây, sự khẳng định về tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của tờ báo đã rõ, là tiếng nói của Đảng, của chính quyền và của nhân dân.

Đây là một nhận thức mới trong trào lưu phát triển của báo chí nói chung và điều quan trọng hơn là để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, rồi yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực sự dân chủ trong đời sống xã hội của đất nước.



Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ Antháng 6/2012.                                   Ảnh: Sỹ Minh.

Thực tế, từ năm 1996 đến nay, Báo Nghệ An ngày càng đi sâu tuyên truyền, phản ánh một cách rõ nét, khá toàn diện các mặt của đời sống xã hội tỉnh như: phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng. Báo Nghệ An đã là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Cùng với tuyên truyền, phản ánh, biểu dương các điển hình tiên tiến, báo cũng mạnh dạn phê phán những tồn tại, yếu kém trong quản lý kinh tế, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp; rồi những bất cập, tính khả thi thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội của các dự án thu hút đầu tư.

Những năm gần đây, Báo Nghệ An ngày càng quan tâm hơn, thực sự là tiếng nói của chính quyền và nhân dân khi làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỳ bầu cử HĐND các cấp, làm tốt hơn việc tuyên truyền phổ biến triển khai các đề án phát triển kinh tế- xã hội của UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan. Báo đã đi sâu tổng kết, biểu dương (hoặc phê phán) các chương trình, đề án, dự án kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo Nghệ An hiện đang duy trì chuyên mục trên trang nhất "Đại biểu hội đồng nhân dân nói, làm và lắng nghe" được coi là diễn đàn và cầu nối của đại biểu với nhân dân, tăng thêm không khí dân chủ thẳng thắn, cởi mở trên mặt báo. Trong thời đại ngày nay, báo chí công luận được nhân dân sử dụng để góp phần kiểm soát, giám sát thực thi quyền lực của chính quyền hành chính các cấp. Có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nhân dân phát hiện ra, báo chí đưa tin, các ngành chức năng sau đó mới vào cuộc.

Thậm chí, có những vụ việc mặc dù đã được các ngành hành pháp, tư pháp kết luận có hiệu lực nhưng dưới áp lực của báo chí, công luận phát hiện mà đã được điều tra, xem xét lại, trả lại sự thật cho chân lý. Rõ nét nhất là dưới sức mạnh thông tin của báo chí, các cơ quan công quyền có vấn đề báo nêu đã phải tiếp thu phê bình, sửa chữa một cách nghiêm túc. Qua phòng Bạn đọc Báo Nghệ An và qua phát hiện của phóng viên, cộng tác viên, cũng như đơn thư tố cáo khiếu nại của công dân, Báo Nghệ An đã bảo vệ được nhiều người khi quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm.


Nhờ thu thập thông tin, đi sát cuộc sống, báo là cầu nối "thông tin phản hồi" chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo mạnh dạn nêu lên những tác động tích cực và hạn chế của chính sách; trân trọng chuyển tải, đưa tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, của cấp dưới lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết hoặc điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Hình thức phản ánh như trong các chuyên mục: "Diễn đàn cuối tuần", "Ý kiến nhân dân", "Nhịp cầu bạn đọc", "Tiếp thu phê bình"... và được bạn đọc ngày càng quan tâm.


Quan trọng không kém là các tin, bài của phóng viên. Họ không chỉ mô tả, phản ánh hiện thực và ý kiến chủ quan của mình, mà những năm gần đây đã chú ý phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, của các tầng lớp nhân dân. Nhiều bài báo đã đứng trên lập trường, quan điểm của quần chúng nhân dân để viết, không nói theo chiều trên xuống hoặc quan điểm áp đặt của mình. Từ đó, báo được nhân dân đón đọc và coi là người bạn thân thiết của mình. Mỗi khi có băn khoăn, vướng mắc, cả oan ức, thiệt thòi... họ thường gửi thư đến báo, điều trước đây chưa có nhiều.


Những điều trên chứng minh Báo Nghệ An đã, đang thực hiện được mục đích, tôn chỉ của mình là Tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An. Tuy nhiên, báo còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để báo thực sự tốt. Vì sao, lại dùng cụm từ "thực sự"? Có chuyện đó, bởi trong nhiều bài báo đã công bố, chúng ta vẫn thấy tác giả, biên tập không dám đi thẳng vào bản chất sự thật của vấn đề, thường đề cập rồi nêu ra ý kiến bình luận một cách chung chung, theo kiểu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", hoặc "rót nước phải chừa cặn". Những quan niệm, cách tiếp cận đó đã làm hạn chế tính hấp dẫn, thể hiện chưa thật đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Và đó cũng là nguyên nhân một thời người ta cho Báo Nghệ An "lành, nhưng chưa mạnh"?!


Thật ra, khuyết điểm của Báo Nghệ An, của báo chí tỉnh nhà nói chung có nguyên nhân của sự yếu kém, tồn tại trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong bài viết này, tôi chỉ nêu một vài biểu hiện yếu kém của công tác tư tưởng khi liên hệ với Báo Nghệ An; tôi cũng mạnh dạn đi sâu một chút vào công việc nghiệp vụ, bếp núc của tòa soạn, mong góp ý cách sửa chữa trước mắt về một vài khía cạnh nào đó.




Thăm hỏi mẹ VNAH Nguyễn Thị Tồng mà Báo Nghệ An nhận phụng dưỡng. Ảnh: S.M.



Thứ nhất, mục đích của công tác tư tưởng là xây dựng con người. Thực hiện mục đích này, chúng ta có nhiều "binh chủng", trong đó báo chí có vai trò quan trọng. Nếu xếp thứ tự làng báo trong tỉnh thì Báo Nghệ An phải mang sứ mệnh hàng đầu vì đó là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, là tiếng nói của những người tiên phong, của đảng viên. Báo chí có vai trò đặc biệt trong xây dựng con người mới, nó khác với các ngành Văn học nghệ thuật dùng hình tượng để xây dựng nhận thức, tình cảm. Báo chí phản ánh, tuyên truyền thực tế cuộc sống bằng con người có thật, sự việc có thật.

Những năm qua, Báo Nghệ An đã góp phần quan trọng, tích cực trong phát hiện và xây dựng mẫu hình con người mới Nghệ An năng động, có kiến thức, có văn hoá, biết phấn đấu làm giàu cho bản thân mình và cho xã hội. Tuy vậy, theo tôi, cũng như hạn chế chung của công tác tư tưởng là chúng ta chưa thật sự đi sâu phát hiện, khai thác các giá trị truyền thống, tính cách văn hoá riêng vốn có của con người xứ Nghệ như trung thực, chịu khó, dũng cảm, giàu lòng nhân ái, vị tha...

Thứ hai, trong tuyên truyền, chúng ta ít chú ý đến tính thuyết phục. Vấn đề này thể hiện ở không ít trang báo, bài viết. Nét chung là, chúng ta thường sớm để lộ mục đích tuyên truyền của mình. Báo chí do đặc điểm viết ngắn, thông tin nhanh, mang tính thời sự, độc giả của báo lại đa dạng, nhiều tầng lớp với trình độ nhận thức khác nhau, nên sớm để lộ mục đích bài viết sẽ gây cho người đọc tâm lý bị "xúc phạm", mình đang bị "tuyên truyền", áp đặt, rồi chán và không đọc nữa. Điều cần thiết là phải tạo được bất ngờ, gợi mở trong thông tin, đưa tin thì mới thuyết phục, cuốn hút được người đọc. Châm ngôn có câu: "Ai cũng có cái đầu cả và mọi người phải tôn trọng cái đầu của nhau". Sức thuyết phục chắc chắn và hấp dẫn nhất, theo tôi, báo chí là nói thật và nói sự thật. Ngoài ra, sức thuyết phục còn ở chỗ phải có tính đối thoại và tính phản biện. Thiếu những yếu tố này, cố nhiên tờ báo sẽ chỉ lành mà không mạnh!


Thứ ba, nhiều bài viết thường xuất phát từ những kết luận có sẵn nên thiếu mạch lạc, nhiều chữ nhưng không thấy được, không toát lên được mục đích, chủ đề tư tưởng của người viết; phân tích, lý giải vấn đề dài dòng, không rõ, thấy được người viết bị động, né tránh trong văn phong, không dám trực diện với hiện thực sinh động của cuộc sống đang diễn ra hàng ngày, có nơi có chỗ là rất nóng bỏng. Đã có trường hợp, ta thấy vụ việc xảy ra trên đất Nghệ An, nhất là những vụ tiêu cực hoặc những vấn đề nhạy cảm mà các báo khác đưa, chiến đấu kiên cường, trong khi đó Báo Nghệ An, cái "trống đại", vẫn bỏ qua, coi như không nghe thấy gì? Có thể nêu lý do là có báo khác lên tiếng rồi thì Báo Nghệ An "nhường" trận địa. Thật ra, cùng một hiện tượng, sự kiện nhưng mỗi báo vẫn có cách lý giải, nêu chính kiến khác nhau, của riêng mình. Có thế mới tạo nên không khí dân chủ trong dư luận, để độc giả xem ai nói có lý có tình hơn? Sự phân tích, bình luận khác nhau thì vấn đề càng được hiểu sâu sắc hơn. Dư luận và yêu cầu đòi hỏi chung là muốn Báo Nghệ An khi đã lên tiếng thì đó được coi như là tiếng nói chính thức, kết luận định hướng để ổn định tư tưởng và dư luận. Tất nhiên, để làm được điều đó thật không dễ, đòi hỏi từ ban biên tập, lãnh đạo tờ báo đến mỗi một cộng tác viên phấn đấu, học tập, lao động cật lực nhiều hơn nữa...


Thứ tư, tôi nghĩ gần đây Báo Nghệ An đã có nhiều thử nghiệm đổi mới cả nội dung và hình thức. Cái đó rất quý, rất cần biểu dương. Tuy nhiên, cho đến bây giờ độc giả (trong đó có tôi, vừa là người đọc vừa là người tham gia viết), vẫn cảm thấy chưa thật sự được thoả mãn, hài lòng với không ít bài viết nội dung thiếu hấp dẫn, chưa bám sát tâm lý, nhu cầu thông tin của quần chúng. Cũng đã có người trao đổi với tôi, rằng khi xem báo, thì xem tên tác giả trước rồi mới quyết định nên đọc hay không? Bởi vấn đề, kể cả đang thời sự thì không thể hoàn toàn mới được, chẳng qua có khía cạnh mới hoặc số liệu mới, nhân vật mới mà thôi. Nghĩa là, chúng tôi đã biết trước sẽ thế nào rồi. Người ta chọn tác giả bài viết bởi vì biết người đó nhìn và giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nói như vậy để thấy năng lực khái quát và cá tính người viết có ý nghĩa rất quan trọng trong thu hút người đọc.

Thế nhưng, khi ta đọc một số tin, bài trên Báo Nghệ An, vẫn thấy cách đưa tin, bố cục, giọng nói "trung tính" như nhau cả. Phải chăng, đấy là do đào tạo phóng viên cùng một lò, hay do biên tập viên quá kỹ theo một tiêu chuẩn "lỗ sàng" như nhau, nên hạt gạo nào rơi xuống (được sử dụng) cũng như nhau ? Hoặc giả, do diện tích báo thì có hạn mà lại muốn đưa nhiều tin bài, thành ra cứ sàn sàn, dài ngắn tương đương nhau? Vấn đề liều lượng, thông tin và phong cách luôn là sự điều tiết tinh vi, phải chuyên nghiệp mới thấy hết được.


Mạnh dạn nhìn lại thành tích những năm qua, chỉ ra những điều chưa được và tâm sự về những việc "bếp núc" của nghề báo, là nhằm mong cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An phấn khởi và hơn thế, tiếp tục chấp nhận thử thách có khi là nghiệt ngã của cuộc sống để vươn lên, tham gia cải tiến cả hình thức, nội dung tờ báo quan trọng này.


Nhân kỷ niệm Báo Nghệ An 51 tuổi, cái tuổi chín chắn "tri thiên mệnh", tôi thành thật trao đổi đôi điều, với mong mỏi báo tiếp tục đổi mới, xứng đáng hơn nữa với sứ mệnh của mình!


Tô Hồng Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)