(Baonghean.vn) - Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An điều hành buổi thảo luận tại Tổ 5, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc và Đắc Lắk.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ 5.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, về Thẩm phán Tòa án nhân dân đã được bổ sung, sửa đổi. Đây là những nội dung lớn, cần được cụ thể hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Tòa án nhân dân xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Dự thảo Luật tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 91 điều.

Tham gia ý kiến vào Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án Luật phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,” Kết luận số 79- KL/TW “về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Các đại biểu đồng tình với việc áp dụng án lệ để đảm bảo tính công bằng trong xét xử. Đối với nhiệm kỳ thẩm phán, đại biểu đề nghị áp dụng là 10 năm, còn độ tuổi nghỉ hưu thì có thể áp dụng như quy định chung.

Đối với Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng tại Điều 67 quy định người được bổ nhiệm vào các ngành Kiểm sát viên phải tuyên thệ là không cần thiết, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ điều này.

Về mô hình đối với VKSND cấp huyện: Theo quy định của pháp luật và thực tiễn cho thấy, hoạt động của VKSND cấp huyện đều gắn chặt với hoạt động của Cơ quan điều tra, cơ quan xét xử, cơ quan Thi hành án, trong khi những cơ quan này vẫn giữ nguyên mô hình hệ thống tổ chức gắn với đơn vị hành chính cấp huyện như hiện nay, nên việc tổ chức VKSND theo mô hình khu vực sẽ tạo ra sự khập khiễng, không tương thích với hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương, gây khó khăn cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành. Đồng thời, việc giữ nguyên mô hình VKSND cấp huyện chính là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về "Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra"; bảo đảm xây dựng nền tư pháp lành mạnh, hiệu quả, gần dân và phục vụ tốt nhân dân; tạo điều kiện cho người tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, nhà nước và xã hội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bỏ Điều 9 về giám sát hoạt động của VKSND vì đã được quy định ở Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội…/.

Kỳ Thanh