ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: Các ĐBQH và dư luận xã hội không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu vì những lập luận không đủ sức thuyết phục.

Liên quan đến dự thảo phương án tăng tuổi nghỉ hưu, bên hành lang Quốc hội, trả lời VOV.VN, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Vì còn hai luồng ý kiến khác nhau nên phải cân nhắc sao cho thật kỹ, phải tính đến một quy định linh hoạt.

Ông Lê Thanh Vân phân tích: Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam chúng ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Nhiều người trong độ tuổi nghỉ hưu vẫn còn đang đủ sức khỏe và trí tuệ, đủ khả năng để tiếp tục cống hiến. Ngoài ra, áp lực về quỹ bảo hiểm xã hội không còn đủ chi trả một cách bình thường đối tượng những người nghỉ hưu. Do đó, họ ủng hộ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu.

images1734418_cac_dbqh_va_du_luan_khong_dong_tinh_tang_tuoi_nghi_huu_hinh_1_581ae3b978e02.jpgĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Luồng ý kiến thứ hai, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận lớn những người lao động chân tay, những người lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Những người này họ muốn nghỉ hưu sớm để giữ gìn sức khỏe. Do đó, họ không ủng hộ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Theo ông Vân, từ 2 luồng ý kiến trên, chúng ta phải cân nhắc sao cho thật kỹ, phải tính đến một quy định linh hoạt để nhóm đối tượng nào đáp ứng thỏa mãn điều kiện của luồng ý kiến thứ nhất thì chúng ta cho họ tiếp tục kéo dài tuổi nghỉ hưu, còn nhóm nào kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hướng đến sức khỏe, đến tinh thần, đến đời sống của họ thì chúng ta có thể quy định ở độ tuổi nghỉ hưu khác.

Loại những cán bộ "ngồi chơi xơi nước"

Theo ông Vân, vấn đề này liên quan đến việc sàng lọc cán bộ, không để những người không có năng lực, không có trình độ vẫn đeo bám đồng lương từ ngân sách nhà nước, họ dựa vào tuổi nghỉ hưu để mà bám lại.

Ông Vân cho rằng, kéo dài tuổi nghỉ hưu cán bộ trẻ ra trường khó có cơ hội việc làm là hai việc khác nhau hoàn toàn. Một mặt, chúng ta vẫn tiến hành tinh giản biên chế theo những tiêu chí để sàng lọc cán bộ. Mặt khác, chúng ta vẫn có quy định để tuyển dụng, thi tuyển, chọn người tài, người đủ năng lực vào bộ máy. "Đây là hai việc khác nhau. Một cái nói về chất lượng còn một cái nói về số lượng" - ông Vân nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định nêu ý kiến: “Tôi thấy rằng, trước đây, khi tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi có cảm giác thua thiệt hơn so với nam giới, thực tế là có một số chị em đến độ tuổi 55 lại là độ tuổi chín muồi, độ tuổi mà có thể cống hiến tốt nhất và có thể mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc của mình lại phải nghỉ hưu”.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)

Cho nên, theo bà Hạnh, việc mở rộng độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ là một trong những việc cụ thể hóa của vấn đề bình đằng giới; tạo điều kiện, tạo cơ hội cho phụ nữ được phát huy hết khả năng của mình, để họ có điều kiện cống hiến nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng nên hạn chế trong một số ngành nghề, một số đối tượng, một số lĩnh vực và một số vị trí phù hợp.

Quản lý kém Quỹ BHXH mà bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu?

Là chuyên gia kinh tế, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tách ra khỏi Quỹ bảo hiểm. Không thể vì quản lý kém Quỹ bảo hiểm xã hội mà bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu của 60 triệu người lao động lên. Điều đó là không đúng.

Theo ông Kiên, nâng tuổi lao động hiện nay trên thế giới có 2 xu hướng, một xu hướng là kéo dài tuổi lao động như các nước công nghiệp (nhật Bản, Mỹ,..) nhưng lại có một xu hướng khác là vẫn giữ tuổi lao động nhưng giảm giờ làm như các nước Bắc Âu (như CHLB Đức).

Hai xu hướng đó là phát triển song song. Cho nên, chúng ta phải tính toán cụ thể chứ không phải tăng tuổi lao động là con đường tất yếu để cứu Quỹ bảo hiểm.

"Nhiều đại biểu quốc hội và dư luận xã hội không đồng tình với lý do để tăng tuổi nghỉ hưu là sợ bị vỡ quỹ BHXH. Thể thì phải báo cáo xem lâu nay quản lý Quỹ BHXH như thế nào? Chi tiêu như thế nào mà để nó vỡ? Nếu không quản lý được thì nghỉ cho người khác làm" - theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng)


“Tôi còn nhớ, có 1 chị công nhân thuộc Xí nghiệp quét rác quận Hoàn Kiếm, chị ấy nói luôn rằng: “Tôi nói thật với chú, chẳng ai muốn kéo dài đến quá 55 tuổi cả, nếu có người nào muốn kéo dài thêm tuổi lao động thì chú cứ bảo người ta đến đây, tôi giao cho họ cái chổi để người ta quét rác từ 16h chiều đến 2h sáng xem liệu họ có muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu nữa hay không? Không phải ngẫu nhiên mà các nước Bắc Âu họ lại giảm giờ làm, giữ việc làm để tạo chỗ việc làm cho thế hệ trẻ".

“Các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội không đồng tình vì những lập luận không đủ sức thuyết phục và nó chưa chỉ ra được những tồn tại hiện nay của hệ thống bảo hiểm xã hội, nó đang bất cập cái gì và phương án xử lý thế nào? Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì phải tăng thế nào? Lộ trình và giới hạn ra sao? Nếu tăng tuổi lên thì từ độ tuổi 55 đến 60 tuổi có làm quản lý nữa không, hay chỉ làm chuyên môn? Chúng ta đều thấy rằng: Đa phần, những chị em muốn đấu tranh kéo dài tuổi nghỉ hưu thì hầu hết là chị em đang làm công tác quản lý.

Các chị em khác như làm giáo viên, kể cả giáo viên đứng lớp cũng khó có thể làm được. Chúng ta cứ tưởng tượng một bà già 55- 56 tuổi vẫn còn làm cô giáo trường mẫu giáo đứng lớp thì sẽ như thế nào? Nếu cô ấy đứng lên hát, múa, làm con thỏ thì các cháu mẫu giáo có thể tưởng tượng được không? Theo tôi, vấn đề cốt yếu của việc tăng hay không tăng phải xuất phát từ bản thân nền kinh tế của chúng ta”- ông Kiên nêu rõ./.

 Theo VOV

TIN LIÊN QUAN