(Baonghean) - Dự án "Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam" do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN và PTNT chủ trì phối hợp với Tổ chức hợp tác Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện được triển khai từ năm 2003 và sẽ kết thúc dự án vào cuối năm 2012. Dự án KSH đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, cụ thể năm 2006 dự án KSH Việt Nam được trao giải Nhất "Năng lượng toàn cầu",

Nghệ An là một trong 10 tỉnh của cả nước tham gia dự án ngay từ pha I (2003-2005), và là 1 trong 40 tỉnh đang tiếp tục tham gia dự án pha II (2007-2012). Qua 9 năm thực hiện dự án KSH, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được 7.291 công trình (tính đến hết năm 2011), tổ chức 290 cuộc hội thảo tuyên truyền, 349 lớp tập huấn sau xây dựng, với 7.780 lượt người có công trình KSH tham gia nhằm hướng dẫn cho người dân biết cách sử dung, vận hành, bảo dưỡng, khắc phục các sự cố thường gặp và hàng chục cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các kỹ thuật viên và thợ xây để nâng cao chất lượng xây dựng, hiệu quả công trình. Kết quả thành công của dự án KSH trong những năm qua đã được các cấp các ngành và người chăn nuôi trong tỉnh đánh giá cao về hiệu quả, lợi ích thiết thực do công nghệ KSH đem lại. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ khí sinh học vào cuộc sống ảnh 1

Sử dụng khí sinh học chạy máy phát điện tại hộ anh Đặng Văn Hùng xóm 9, xã Nghi Hoa, Nghi LộcCụ thể, dự án KSH đã huy động được nhiên liệu để phát triển công nghệ KSH hướng tới bền vững, từng bước xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nông thôn sạch, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải chăn nuôi gây nên, tạo ra được nguồn khí đốt rẻ và sạch phục vụ cho đun nấu, thắp sáng. Hàng tháng mỗi gia đình có công trình KSH có thể tiết kiệm được từ 250.000 - 300.000 đồng tiền chất đốt, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ gỗ, củi, khí hoá lỏng, ngoài ra KSH còn dùng để chạy máy phát điện, bình nóng lạnh, ... góp phần tăng lợi ích kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Giữ gìn và bảo vệ môi trường trong sạch ở các khu vực dân cư, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho mỗi con người. Mặt khác, công trình KSH còn tạo ra được nguồn phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho trồng trọt (trồng lúa, ngô, lạc, rau màu, ..), giảm bớt việc sử dụng phân hoá học, cải thiện đất đai, nâng cao năng suất, chất lượng.

Năm 2012, Nghệ An tiếp tục được dự án giao chỉ tiêu xây dựng 1.000 công trình KSH. Kiểu công nghệ được áp dụng là hầm xây KT1, KT2 (dạng vòm cầu, nắp cố định) do đội ngũ thợ xây lành nghề, giàu kinh nghiệm của dự án xây dựng và bảo hành chất lượng công trình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 50 đội thợ xây được dự án đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, bình quân mỗi huyện, thành phố, thị xã có từ 2-3 thợ xây đảm nhiệm xây dựng. Về kinh phí, dự án sẽ hỗ trợ cho mỗi công trình KSH sau khi xây dựng xong, đảm bảo tiêu chuẩn về thiết kế, kỹ thuật là 1.200.000 đồng, không phụ thuộc vào kích cỡ và được chuyển cho hộ dân thông qua đường bưu điện.

Để đẩy nhanh được tiến độ xây dựng các công trình KSH, đảm bảo kế hoạch và chất lượng đề ra, nhất là đối với các đơn vị tham gia dự án trong tỉnh cần phải: Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin khác nhau như truyền hình, truyền thanh, đặc biệt là thông qua hệ thống loa phong thanh các xã để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi lợi ích công nghệ KSH đến tận mọi người dân. Phối kết hợp với nhiều ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các địa phương, nhất là huy động đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn bản tham gia mạnh mẽ trong việc quảng bá, tổ chức triển khai thực hiện và vận động các hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ KSH.

Dự án KSH sẽ tổng kết và kết thúc vào cuối năm 2012. Bằng những hiệu quả và lợi ích to lớn mà công nghệ KSH đem lại, các đơn vị tham gia dự án tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ chăn nuôi nên tranh thủ cơ hội tham gia xây dựng công trình KSH khi đang còn hỗ trợ kinh phí từ dự án.

Cao Xuân Tuấn