(Baonghean) Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Đây là đạo luật rất quan trọng nhằm góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích các tổ chức, các nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, động viên hợp lý sự đóng góp của người sử dụng đất, nhất là các đối tượng sử dụng vượt hạn mức quy định cho ngân sách nhà nước; góp phần hạn chế đầu cơ về đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà đất hiện hành.
Phạm vi của Luật mở rộng đếncác đối tượng sử dụng đất trong xã hội, từ cá tổ chức được giao đất, cho thuê đất đến các hộ gia đình, các nhân sử dụng đất vào mục đích kinh doanh hoặc để ở. Trong khi chính sách thuế nhà đất mới chỉ tập trung vào đất ở của một số đối tượng mà chưa tính đến đối tượng khác như người sử dụng đất thuê của nhà nước, sử dụng đất được giao. Luật này còn quy định cụ thể và rõ ràng đối tượng đất chịu thuế và đất không chịu thuế, các đối tượng sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn giảm, nguyên tắc cũng như quyền lợi nghĩa vụ của người nộp thuế.
Có thể nói, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là một chính sách hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 53, Bộ Tài chính có Hướng dẫn 153/2011, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 33, xây dựng Kế hoạch 127, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc hướng dẫn các huyện, thành, thị trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện Luật tương đối nghiêm túc.
Hầu hết các huyện, thành, thị đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò chủ đạo của cơ quan thuế, trách nhiệm của các ban, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Luật, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền tập huấn hướng dẫn, nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng đất thực hiện khai đúng, khai đủ, khai kịp thời. Vì thế, nhiều địa phương trong tỉnh như Nam Đàn, TP Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Yên Thành... tổ chức triển khai khá bài bản. Đến nay, các huyện này cơ bản đã hoàn thành việc kê khai và xử lý hồ sơ tại xã. Riêng huyện Nam Đàn đã có 201/331 xóm hoàn thành khai và xử lý tờ khai nộp lênchi cục thuế…
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, khẩn trương vẫn còn một số nơichưa bám sát kế hoạch của tỉnh, tiến độ triển khai chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu, còn lúng túng trong hướng dẫn kê khai cũng như xử lý hồ sơ tại phường xã còn để sai sót đáng tiếc. Qua kiểm tra của Ban chỉ đạo tại 20 huyện, thành, thị cho thấy, nguyên nhân của hạn chế thiếu sót trên chủ yếu do thiếu sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ chính quyền; đội ngũ lãnh đạo, nhất là xã phường thị trấn chưa quan tâm đúng mức, thành viên ban chỉ đạo cơ sở chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn như: Tân Kỳ và các huyện miền núi đều phó thác cho cơ quan thuế làm được chăng hay chớ.
Đến ngày 21/5, hầu hết các xãở huyện Tân Kỳ mới phát tờ khai phần lớn chưa thu hồi về xã, các bìa đất cắm ngân hàng vẫn chưa có hướng giải quyết để bảo đảm có bản phô tô kẹp vào hồ sơ. Huyện miền núi: Con Cuông không thành lập ban chỉ đạo, phân công phó chủ tịch phụ trách nhưng đồng chí đó không thực hiện nhiệm vụ nên Chi cục Thuế đã thành lập tổ công tác triển khai dẫn tới nhiều vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của các phòng ban khác như: Tài nguyên Môi trường, Tài chính, ngân hàng, không xử lý được. Đặc biệt, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nên nhiều lãnh đạo và cán bộ địa chính xã trực tiếp tham gia triển khai nắm không vững nội dung Luật, dẫn tới việc xử lý tờ khai cũng như thu thập hồ sơ, tài liệu còn nhiều sai sót phải làm đi làm lại mất nhiều thời gian. Không ít cán bộ như Phó Chủ tịch xã Bồng Khê trực tiếp chỉ đạo triển khai Luật thuế còn hiểu “các gia đình đang ở 2 bên mặt đường quốc lộ 7 chưa có sổ đỏ nên lần này không được kê khai nộp thuế”. Hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể nên cán bộ địa chính và cán bộ xã ở Thị trấn Yên Thành vẫn còn hiểu lơ mơ về hạn mức tính thuế đối với các trường hợp liên quan.
Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều nhưng công việc xử lý hồ sơ tại xã và huyện còn khá nặng nề. Nhất là đối với những địa phương năng lực trình độ hạn chế, trong khi số hộ trên địa bàn lớn, nhiều vướng mắc đặt ra chưa được xử lý kịp thời và yêu cầu phải sớm duyệt bộ thuế mới trước tháng10/2012...
Thực tiễn trên đòi hỏi thời gian tới, cấp uỷ chính quyền từ huyện đến cơ sở cần vào cuộc, tiếp tục chỉ đạo các ban ngành liên quan nhất là thành viên Ban chỉ đạo phối hợp để tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn, giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhất là sớm giải đáp những vướng mắc liên quan nội dung xử lý hồ sơ, hạn mức tính thuế, đối tượng miễn giảm. Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ kinh phí kịp thời để tạo động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện, đảm bảo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thành thắng lợi nguồn thu ngân sách năm 2012.