(Baonghean) - Tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, họp tháo gỡ khó khăn… là những việc làm kịp thời của các cấp, ngành đối với cụm dự án xi măng Sông Lam. Nhờ vậy nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm triển khai dự án. 

Tập đoàn The Vissai đã đầu tư cụm dự án gồm: Công ty CP xi măng Sông Lam (chính thức tiếp nhận dự án xi măng Đô Lương ngày 26/12/2014) và nâng cấp công suất nhà máy từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm; Xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)… Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam sẽ  hoàn thành trong thời gian 18 tháng, dự án trạm nghiền xi măng (công suất 4 triệu tấn/năm) thực hiện 15 tháng và cảng biển chuyên dụng quốc tế (đón tàu công suất 7.000 tấn) xây dựng 18 tháng. Với tiến độ như vậy, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đang phải “chạy đua” với nhà đầu tư trong tiến độ GPMB.

(Baonghean) - Tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, họp tháo gỡ khó khăn… là những việc làm kịp thời của các cấp, ngành đối với cụm dự án xi măng Sông Lam. Nhờ vậy nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm triển khai dự án.
Nhà thầu EPC là công ty kỹ thuật quốc tế Sinoma triển khai thi công hạng mục đầu tiên tại Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam.

Do nâng công suất của nhà máy từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm, nên Nhà máy xi măng Sông Lam phải mở rộng thêm diện tích mặt bằng. Ngày 17/7/2015, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh mở rộng quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy tại xã Bài Sơn (Đô Lương) và xã Minh Thành (Yên Thành) với tổng diện tích là 751.245m2 (trong đó diện tích đã cấp GCNQSDĐ là 348.850m2 và diện tích bổ sung mở rộng là 402.395m2). Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các cấp, ngành liên quan đã vào cuộc tích cực và hiện nay, Ban GPMB huyện Đô Lương đang tiến hành chi trả tiền đền bù. Do mở rộng dự án nên một số hộ dân và công trình quốc phòng phải di dời.

Ông Phạm Văn Minh, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Thành cho biết: “Có 7 hộ dân và 7,5 ha đất rừng ở xã  Minh Thành nằm trong vùng Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam và để bàn giao kịp thời mặt bằng, huyện đã thực hiện xong việc trích lục, trích đo và hiện đang tiến hành đền bù cho người dân”. Để phục vụ cho dự án tái định cư của dự án, tại huyện Thanh Chương sẽ tiến hành xây dựng khu tái định cư của đơn vị quân đội thuộc QK4 tại xã Thanh Lâm. Hiện nay Thanh Chương  đang tiến hành thực hiện trích đo, kiểm đếm, áp giá đất và các loại cây cối, hoa màu, tài sản trên đất trong phạm vi dự án. Ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Trong phạm vi dự án có 14 số hộ dân bị ảnh hưởng và dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường GPMB là hơn 19,2 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt giá đất, huyện tiến hành bồi thường GPMB phấn đấu  bàn giao mặt bằng khu tái định cư Kho K41 (QK4) trong tháng 8/2015”.

Là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam trong quá trình triển khai luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ GPMB mở rộng diện tích nhà máy, xây dựng khu tái định cư… thì vấn đề quy hoạch mở rộng diện tích mỏ đá vôi, mỏ đá sét và đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi từ mỏ về nhà máy cũng được Bộ Tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh phối hợp giải quyết. Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao đối với các thủ tục về kế hoạch  sử dụng đất, giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất Nhà máy xi măng Sông Lam, thời gian qua sở đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung: Hướng dẫn các thủ tục cho nhà đầu tư; tham mưu UBND tỉnh các thủ tục về kế hoạch sử đất, giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục cấp mỏ đá, mỏ sét… Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án”. Với nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã thực tốt nhiệm vụ khảo sát địa điểm, lập quy hoạch xây dựng dự án và thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Qua đó tích cực hỗ trợ cho nhà đầu tư thuận lợi khi triển khai dự án.

Ông Đinh Quốc Quyền, Tổng giám đốc Công ty CP xi măng Sông Lam cho biết: “Với quyết tâm hoàn thành dự án nhà máy xi măng Sông Lam đúng tiến độ, nên hiện nay, tại công trường luôn có 500 cán bộ, công nhân làm việc 4 ca/ngày với hàng chục thiết bị, máy móc, xe cơ giới hoạt động. Đơn vị đã lắp đặt xong 2 trạm trộn bê tông cung cấp 2.000 m3/ngày cho các hạng mục thi công và hệ thống điện phục vụ cho dự án. Hiện nay, đã cơ bản san lấp xong mặt bằng các hạng mục, tiến hành khoan cọc nhồi bê tông của 12 hạng mục chính. Nhà thầu EPC là công ty kỹ thuật quốc tế Sinoma đã triển khai thi công bệ móng tháp trao đổi nhiệt và tiếp tục vận chuyển lượng lớn hàng hóa, trang thiết bị  và vật liệu phục vụ thi công… Còn tại dự án trạm nghiền xi măng công suất 4 triệu tấn/năm tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), công ty đã được UBND huyện Nghi Lộc giao 5 ha đất và hiện đang tập kết thiết bị máy móc triển khai”.

Cụm Dự án xi măng Sông Lam sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động có thu nhập ổn định và hàng năm sẽ đóng góp từ 350 – 400 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển các dịch vụ phụ trợ bên ngoài nhà máy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Vĩnh