(Baonghean)- Trong những năm qua, hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Nghệ An đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp mà rất cần những giải pháp đồng bộ để phòng ngừa căn bệnh thế kỷ trên…
 
Tính đến 30/9/2015, Nghệ An có 7.924 người nhiễm HIV, trong đó có 5.128 bệnh nhân AIDS, là 1 trong 6 tỉnh, thành có số người nhiễm cao nhất cả nước. Toàn tỉnh có 21/21 huyện, thành, thị với 438/480 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm mới gia tăng tại các huyện vùng núi cao của tỉnh như: Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu...
 
Trước diễn biến phức tạp đó, những năm qua, với sự hỗ trợ của nhiều dự án của Chính phủ và quốc tế, Nghệ An đã tích cực đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng chống HIV/AIDS và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, tỷ lệ lây nhiễm HIV cơ bản được khống chế.
 
images1424660_111.jpgHội thi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở huyện Quế Phong
Thời gian qua, Nghệ An đã ban hành Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 - 2020, ký kết văn bản phối hợp giữa các ban, ngành liên quan; kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone…
 
Trong năm 2015, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hành động quan trọng, đó là: Đề án đảm bảo nguồn tài chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020; phê duyệt danh sách xã phường trọng điểm thuộc chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 với 136 xã phường; Kế hoạch số 632/KH-UBND ngày 16/10/2015 về triển khai thực hiện “Chiến lược hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 giai đoạn 2015 - 2017, tầm nhìn 2020”.
 
Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghệ An đã triển khai mở rộng các can thiệp về dự phòng và điều trị một cách toàn diện xuyên suốt ở tất cả các huyện, thành. Triển khai chương trình can thiệp giảm hại thông qua đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên trên địa bàn, thành lập 7 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng ở các địa phương trọng điểm như huyện Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Đô Lương, Yên Thành và thị xã Thái Hòa.
 
Đặc biệt, chương trình điều trị nghiện dạng chất thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone được triển khai ở tỉnh ta từ tháng 8/2012. Đến nay, mạng lưới cơ sở điều trị không ngừng được thiết lập và mở rộng với 6 cơ sở; 1.159 bệnh nhân đăng ký điều trị, trong đó có 1.051 bệnh nhân được điều trị, 731 bệnh nhân đang điều trị. Ngoài 6 cơ sở nói trên, trong quý IV năm 2015, Nghệ An tiếp tục triển khai các điểm cấp thuốc vệ tinh ở huyện Đô Lương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Diễn Châu và thị xã Thái Hòa.
 
Mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng đã triển khai đều khắp trên toàn tỉnh, thông qua hoạt động của mạng lưới cộng tác viên các xã, phường, thị trấn. Số bệnh nhân được nhận dịch vụ chăm sóc ngày càng tăng, công tác chăm sóc được các ban, ngành, tổ chức đoàn thể tham gia, vào cuộc. Trong 9 tháng năm 2015, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã tư vấn cho 7.148 người, xét nghiệm cho 6.974 người, phát hiện được 576 trường hợp dương tính; mở thêm cơ sở điều trị ARV tại Trung tâm Y tế Đô Lương, tăng số cơ sở điều trị lên 12 cơ sở, trong đó có 10 phòng khám ngoại trú và 2 trại giam. Số bệnh nhân đang điều trị ARV tại các phòng khám là 3.299 người…
 
Nghệ An đặt ra mục tiêu điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho 100% bà mẹ nhiễm HIV có thai; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và nghi nhiễm HIV được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm điều trị. Duy trì triển khai tốt hoạt động dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con trọn gói tại 2 cơ sở khoa sản Bệnh viện Sản Nhi và Trung tâm Y tế Thái Hòa.
 
Từ đầu năm đến nay đã xét nghiệm HIV cho 11.340 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 3 trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con. Năm 2015, các cơ sở y tế đã và đang điều trị cho 38 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó 21 số người nhiễm HIV đã sinh con được dự phòng lây truyền HIV cho cả mẹ và con; Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã tiếp nhận được 10 trẻ em nhiễm HIV và 39 trẻ phơi nhiễm, trong đó có 21 trẻ từ chương trình lây truyền mẹ con chuyển sang, 100% trẻ này đều đã được xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV và 100% đều có kết quả xét nghiệm HIV âm tính.
 
Để đạt được kết quả trên, công tác thông tin giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng. Trong 9 tháng năm 2015, Nghệ An đã truyền thông về  HIV/AIDS với nhiều hình thức đa dạng, đã tiếp cận được 772.748 lượt người…
 
Trong tháng 12 này, toàn tỉnh đã tổ chức triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và kế hoạch thực hiện “Chiến lược hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90, giai đoạn 2015 – 2017, tầm nhìn 2020”. Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức lễ  mít tinh cấp tỉnh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống AISD và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12); tại 20 huyện, thành, thị khác trong tỉnh cũng đã tổ chức mít tinh, triển khai tháng hành động với hàng nghìn người tham gia.
 
Kế hoạch số 632/KH-UBND về “Chiến lược hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90, giai đoạn 2015 – 2017, tầm nhìn 2020” của tỉnh Nghệ An có các mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác... Mục tiêu đặt ra là đến ngày 30/9/2017, 6.520 người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh còn sống biết được tình trạng nhiễm của mình; 5.868 người được chẩn đoán nhiễm HIV được đưa vào điều trị bằng thuốc ARV; 5.281 bệnh nhân điều trị ARV có số lượng vi rút dưới ngưỡng lây truyền. 
 
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Phòng chống  HIV/AIDS tỉnh nêu rõ: Dẫu đạt nhiều kết quả khả quan nhưng Nghệ An vẫn đang là 1 trong 6  tỉnh thành có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất trong cả nước.
 
Thời gian tới, thực hiện chiến lược của tỉnh, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, trọng tâm là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; lực lượng thanh, thiếu niên và học sinh tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và trường học; tăng cường các dịch vụ lồng ghép khám, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cũng như tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế…
 
Công tác phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và quan tâm chung tay của cả xã hội giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS. Mọi người cần quan tâm thực hiện các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
 
Thanh Sơn