(Baonghean) - Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để kiện toàn đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức trong khối hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập. Ở Nghệ An, những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành đã và đang ngày càng tạo được sự tin tưởng của con em tỉnh nhà trở về quê hương làm việc.
Căn cứ Nghị quyết số 92/2013/NQNQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 17/7/2013, ngày 4/10/2013 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 57/2013/QĐ-UBND quy định một số chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, ưu tiên thu hút nhân lực chia thành 3 loại:
Thứ nhất, áp dụng xét tuyển thẳng vào công chức, viên chức đối với các đối tượng như giáo sư; phó giáo sư; tiến sỹ khoa học; tiến sỹ; bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I và II; thạc sỹ; cử nhân tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi trở lên, có điểm thi vào đại học cao (tiêu chuẩn tuỳ từng khối thi) hoặc đạt các giải thưởng quốc gia, quốc tế, được tuyển thẳng vào đại học;…
Thứ hai, cộng điểm ưu tiên khi tham gia vào các kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức định kỳ hàng năm cho những người tốt nghiệp đại học loại khá và giỏi tại các trường đại học công lập, hệ chính quy, có điểm thi vào đại học cao (tiêu chuẩn tuỳ từng khối thi).
Thứ ba, các chính sách hỗ trợ bằng tiền như: hỗ trợ ban đầu từ 100 - 200 triệu đồng đối với các đối tượng có học hàm, học vị giáo sư; phó giáo sư; tiến sỹ; bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa II; nghệ nhân, thợ giỏi cấp quốc gia; trong thời gian tập sự cho hưởng 100% tiền lương khởi điểm theo ngạch, bậc lương nhà nước quy định đối với các đối tượng thuộc diện thu hút.
Ngoài ra, còn có chính sách hợp đồng thu hút đối với các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, có Giải thưởng Hồ Chí Minh, định mức chi tối đa cho mỗi hợp đồng là 150 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 57 của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 16/5/2015 về công bố nhu cầu thu hút nhân lực chất lượng cao đối với khối hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập năm 2014 và giai đoạn 2014 - 2018.
Theo đó, nhu cầu thu hút của tỉnh trong cả giai đoạn là 400 chỉ tiêu công chức và viên chức, riêng năm 2014 có 201 chỉ tiêu, phân bố cho các cơ quan, đơn vị trong khối sở, ngành cấp tỉnh; khối huyện, thành phố, thị xã; khối các đơn vị sự nghiệp. Thông tin về các chính sách và nhu cầu thu hút của tỉnh được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ.
Kết quả, có 21/21 huyện, thành, thị, 13/21 sở, ngành cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng công chức và 26 cơ quan, đơn vị đăng ký thu hút, tuyển dụng chỉ tiêu viên chức. Nhiều sở, ngành, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhận được nhiều hồ sơ đăng ký như Sở Tài chính (84 hồ sơ, 3 chỉ tiêu), Sở Công Thương (76 hồ sơ, 9 chỉ tiêu), UBND Thành phố Vinh (37 hồ sơ, 4 chỉ tiêu), UBND huyện Diễn Châu (27 hồ sơ, 4 chỉ tiêu),…
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị có chỉ tiêu thu hút, tuyển dụng nhưng không có hồ sơ dự tuyển. Qua xét tuyển, lựa chọn được 70 người trúng tuyển theo diện công chức thu hút, chưa đạt chỉ tiêu tuyển dụng như kế hoạch đề ra. Năm 2015, tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút, đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng 40 chỉ tiêu công chức và thông qua 8 thí sinh trúng tuyển vào tháng 8/2015.
Anh Nguyễn Thọ An, chuyên viên Phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là 1 trong 70 đối tượng trúng tuyển công chức thu hút năm 2014. Là Thạc sỹ ngành Quản lý đô thị và công trình, anh từng có 5 năm công tác tại một công ty tư vấn trực thuộc Bộ Xây dựng ở Hà Nội. Năm 2014, được biết tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng, thu hút công, viên chức về làm việc trong khối hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập, anh đã nộp hồ sơ tham gia xét và trúng tuyển vào làm việc tại Sở NN&PTNT, đúng với chuyên ngành đào tạo của mình. Anh khẳng định:
“Thực ra, nếu có cơ hội việc làm hấp dẫn thì ai cũng muốn được trở về quê hương mình. Qua 1 năm trở về làm việc tại tỉnh nhà, tôi thấy môi trường Nghệ An đang có những bước đổi mới rất tích cực. Không chỉ mở rộng cánh cửa thu hút và cơ hội việc làm cho lực lượng trí thức trẻ, chúng tôi còn được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình công tác, phát huy tối đa năng lực chuyên môn của bản thân. Ngoài ra, làm việc trong khối hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập còn là môi trường để trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng. Bản thân tôi vừa được giới thiệu theo học lớp đối tượng Đảng và đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khoá học”.
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết:
“Năm 2014, Sở NN&PTNT tuyển dụng 5 đồng chí theo diện thu hút của tỉnh, do Hội đồng xét tuyển thông qua. Trong đó có 1 thạc sỹ và 4 cử nhân, hiện các đồng chí này đang công tác tại Phòng Quản lý xây dựng công trình và Chi cục Kiểm lâm. Đây đều là những đồng chí có trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng nhu cầu công việc, cơ bản nhanh chóng bắt kịp với các hoạt động, chức năng của đơn vị”.
Đồng chí cũng khẳng định, cùng với xu thế phát triển theo chiều hướng hiện đại hoá, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao tại Sở NN&PTNT chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Bởi, Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn, trong đó hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp chiếm phần chủ yếu cả trên bản đồ tự nhiên lẫn trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Để phát huy thế mạnh vốn có của tỉnh nhà, cần phải duy trì và phát triển nông nghiệp bằng cách nâng cao hàm lượng trí tuệ, công nghệ vào các mô hình sản xuất và sản phẩm địa phương.
Để làm được điều này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công, nhân, viên chức ngành nông nghiệp của tỉnh phải có trình độ quản lý và chuyên môn ngày càng cao, cập nhập kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh bổ sung kiến thức, đào tạo nâng cao cho đội ngũ hiện hành, việc thu hút, tuyển dụng mới và ưu tiên đối tượng nhân lực chất lượng cao là một hướng đi hết sức đúng đắn và hiệu quả.
Có thể khẳng định, công tác nhân sự đã, đang và luôn là một trong những yếu tố quan trọng, có tính quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể. Trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là 1 trong 8 giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu Đại hội đề ra, góp phần đưa Nghệ An đi lên trở thành tỉnh khá của khu vực như mục tiêu của Nghị quyết 26 Bộ Chính trị ban hành.
Trong một tầm nhìn vĩ mô hơn, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những điểm mấu chốt của mô hình kinh tế mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hướng đến xây dựng, theo đó mỗi thành viên của Hiệp định sẽ hình thành một cực hút của những lĩnh vực nhất định, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực. Là tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng, rõ ràng Nghệ An cũng phải hoà theo xu hướng chung đó, ngày càng quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn lực con người.
Thục Anh