(Baonghean) - Ấn tượng trong tôi khi được gặp gỡ và trò chuyện với thầy là sự giản dị trong câu chuyện kể về 35 năm làm nhà giáo.

“Tôi xuất thân là một giáo viên dạy bộ môn Giáo dục học nên sự gương mẫu, tận tụy, làm hết trách nhiệm của một người thầy như là một đòi hỏi tất yếu hết sức tự nhiên trong tôi.

Vì thế, những cống hiến suốt quãng đời làm nhà giáo của tôi chẳng có gì to tát so với những đóng góp của các thầy cô trong nhà trường”. Khi được hỏi về việc học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, thầy Phạm Minh Hùng đã nói thật giản dị như thế. 

 
images1562822_2.jpgThầy giáo Phạm Minh Hùng - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chúc mừng TNTN trước khi lên đường làm nhiệm vụ (ảnh chụp năm 2015).
Năm 1973, thầy giáo Phạm Minh Hùng thi đỗ vào Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, cũng là lúc thầy và trò nhà trường phải sơ tán lên huyện Thanh Chương. Sinh viên nhà trường phải tự dựng nhà để ở, gian khó đủ bề.
 
Cũng chính trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy thầy đã cùng với lớp lớp giảng viên, sinh viên tự vượt lên mọi khó khăn gian khổ, say mê sáng tạo cho ra đời nhiều công trình khoa học sáng giá. 
 
Nhờ những thành tích trong học tập, đến năm 1982 thầy được nhà trường giữ lại làm giảng viên bộ môn Giáo dục học, Tâm lý học, là bộ môn “đinh” của Trường Đại học Sư phạm Vinh thời bấy giờ.
 
Thầy Hùng nhớ lại: “Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là phải làm sao để sinh viên ra trường có tay nghề vững, có khả năng và kiến thức sư phạm đạt trình độ cao. Vì thế, tất cả chúng tôi đều trăn trở tìm ra những phương thức truyền đạt mới làm sao để sinh viên thấm: dạy học trước hết là phải dạy cho học sinh làm người”.
 
Kể từ năm 1999 khi được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, và sau này là Khoa Giáo dục thầy đã không ngừng trăn trở tìm ra những hướng đi, cách thức mới nhằm đổi mới phương pháp dạy và học cho sinh viên.
 
Cũng chính vì thế, thầy đã cùng với đồng nghiệp Khoa Giáo dục cho ra đời tới 60 công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế; hướng dẫn cho 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.
 
Trong đó với đề tài trọng điểm cấp bộ: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới… được xem là bước đột phá trong việc chuyển tải phương thức rèn luyện và nâng cao năng lực sư phạm cho sinh viên.
 
Cho đến nay, sau 35 năm giảng dạy với nhiều cương vị quản lý khác nhau, thầy Hùng đúc rút được những điều giản dị mà sâu sắc: “Làm người thầy dạy sinh viên làm thầy là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đòi hỏi người thầy ngoài kiến thức, tri thức cần phải làm gương từ bục giảng đến cuộc sống. Nghĩa là phải mẫu mực từ lời ăn, tiếng nói đến phong cách sống, cách cư xử với tất cả những người xung quanh”.
Thanh Nga