(Baonghean) - Trong buổi trao tặng xe lăn cho một sinh viên tàn tật vì nhiễm chất độc da cam tại Trường Đại học Vinh, có một người đàn ông nước ngoài xúc động đến rơi nước mắt. Khi tận tay trao chiếc xe lăn, người đàn ông ấy nở một nụ cười phúc hậu. Đó là Chuc Pa-la-zô (Chuck Palazzo) - một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và hiện là đại diện của tổ chức CCB vì hòa bình Việt Nam 160 (tổ chức quốc tế hoạt động tại nước ta). Chuyện trò với ông, chúng tôi mới thực sự hiểu được nỗi niềm và tình cảm của những cựu quân nhân Mỹ đối với nạn nhân chất độc da cam cũng như đất nước, con người Việt Nam.

Chuc Pa-la-zô và sinh viên Lê Đình Thành (người khuyết tật

do nhiễm chất độc da cam).

Chuc Pa-la-zô sinh năm 1954, cuối năm 1970 ông sang Việt Nam tham chiến với tư cách là lính thủy quân lục chiến. Thời kỳ đó, ông từng chiến đấu tại căn cứ Đà Nẵng, đèo Hải Vân, Sân bay Phú Bài (Huế) và chiến trường Quảng Trị. Trong vòng 2 năm, Chuc Pa-la-zô đã vài lần chứng kiến cảnh máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống những cánh rừng trong dải Trường Sơn làm cho cây cối rụi hết lá. Ngay từ lúc ấy, ông đã nhận thấy cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra là hoàn phi nghĩa, trái với sự tiến bộ của xã hội loài người. Vì thế, ông xin giải ngũ sớm để trở về quê hương. Về nước, Chuc Pa-la-zô day dứt mãi với hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bấy giờ, ở Mỹ có tổ chức quốc tế CCB vì hòa bình được thành lập từ năm 1958, mục tiêu chính là hoạt động vì hòa bình. Trên cơ sở đó, khoảng 3 năm trước, Chuc Pa-la-zô vận động thêm 2 người bạn đứng ra thành lập chi hội ở Việt Nam lấy tên là Hội CCB vì hòa bình Việt Nam 160, đặt trụ sở tại Thành phố Đà Nẵng. Đây chính là nơi ông sinh sống nhiều nhất trong quãng thời gian tham chiến tại Việt Nam.

Giải thích về lý do thành lập chi hội này, Chuc Pa-la-zô cho biết: “Tôi là một CCB từng  và vô tình gieo rắc tội ác chiến tranh ở đất nước các bạn, giờ đây tôi muốn chuộc lại phần nào lầm lỗi, muốn làm những việc tích cực cho nạn nhân chất độc da cam và nạn nhân bom mìn. Tôi muốn gần gũi hơn với họ, muốn thế giới thấy được những hậu quả chiến tranh mà nước Mỹ để lại trên đất nước các bạn”. Với mục đích ấy, trong vòng 3 năm qua, Chuc Pa-la-zô đã nhiều lần tổ chức thành các tua để các cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Những cựu binh này được về các vùng quê Việt Nam thăm các nạn nhân, được tận mắt chứng kiến nỗi đau và bất hạnh của những gia đình có nạn nhân bị nhiễm. 

Chuc Pa-la-zô chia sẻ: “Hy vọng thông qua những hoạt động của chi hội, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về sự tàn phá của chiến tranh. Khi trở về Mỹ, tôi sẽ nói tất với cả mọi người và vận động người dân Mỹ tham gia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Và tôi cũng sẽ tiếp xúc với một số Thượng, Hạ nghị sỹ để họ sang thăm Việt Nam và ủng hộ việc thông qua đạo luật đền bù cho các nạn nhân”. Đồng thời, Chuc Pa-la-zô cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ không chịu bồi thường hậu quả cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Không những thế, họ còn thuyết phục một số nước mua hạt giống biến đổi gen để giúp nông dân thoát khỏi đói nghèo. Nhưng thực tế, việc trồng cây bông biến đổi gen ở Ấn Độ đã cho năng suất rất thấp, chất lượng kém, nhiều nông dân nước này đứng bên bờ vực phá sản. Đó là chưa kể một vài sản phẩm đang được các công ty này giới thiệu có chứa những thành phần tương tự như trong chất độc da cam. Là một nhà hoạt động xã hội, thành viên danh dự của Hội Vì hòa bình, Chuc Pa-la-zô tiếp xúc hàng tuần, thậm chí hàng ngày với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Ông nhận ra rằng, tất cả các vấn đề liên quan đến chất độc da cam không thể giải quyết trong cùng một lúc, mà phải làm từng bước một. Vì thế, ông đang lên kế hoạch tiếp tục vận động các cựu binh Mỹ tham gia các tua, quyên góp tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam…

Trước lúc chia tay, chúng tôi hỏi ông: “Nếu được phép gửi tới các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam một thông điệp, ông sẽ nhắn gửi điều gì?”. Ông trả lời: “Tôi muốn nói với họ, tất cả những gì quân đội Mỹ đã làm ở Việt Nam là sai. Và các nhà sản xuất chất độc da cam chưa chịu đền bù là không hề có lương tâm, đạo lý. Tôi cũng muốn nhắn gửi tới các nạn nhân đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, bởi có nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đang đứng bên cạnh và sẵn sàng ủng hộ họ. Tôi tin một ngày không xa, môi trường nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam sẽ được cải tạo, các nạn nhân sẽ được hỗ trợ. Chúng tôi hứa không bao giờ từ bỏ họ, sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam!”.

Bài, ảnh: CÔNG KIÊN