(Baonghean) - Sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất, đáp ứng số lượng, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế. Tại cuộc họp về tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh Nghệ An vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phân tích chuỗi giá trị từng cây, con để biết khâu nào yếu mà tác động, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. 

Nghệ An hiện nay có một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Đó là cam, chè, chanh leo, dược liệu, mía, bò sữa, thủy, hải sản, bò u đầu rìu, gà đen, lợn bản…, trong đó có sản phẩm đã mang tính hàng hóa, có sản phẩm còn dạng tiềm năng, có sản phẩm đã dần mai một. Nhưng cũng không khó nhận ra một số sản phẩm đang gặp khó trong từng khâu của “chuỗi”, ví như: đối với cam, khâu chế biến, bảo quản và khâu phòng trừ sâu bệnh đang gặp khó. Cam Vinh là đặc sản có thương hiệu mạnh trong cả nước, nhưng hầu như chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, mới chỉ bán quả tươi và giá cả đang rất cao. Đối với cây chè, cây mía đang đòi hỏi ngành Nông nghiệp kịp thời tác động để nâng cao năng suất vốn là khâu yếu nhất, trong đó tưới phun, tưới nhỏ giọt… đang là những giải pháp hiệu quả, né tránh được thiên tai hạn hán. Đối với một số sản phẩm như bò u đầu rìu, gà đen… số lượng lại quá ít, cần khai thác quỹ gen để đầu tư nhân lên; hay đối với dược liệu hiện vẫn đang dạng tiềm năng, chưa khai thác được hiệu quả. Riêng đối với đàn trâu, bò, mặc dù số lượng lớn gần nhất cả nước (khoảng 800.000 con), song thương hiệu sản phẩm trâu, bò hàng hóa của Nghệ An lại chưa có...

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho rằng  nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng điểm đầu tư của KHCN và ngành sẽ chọn doanh nghiệp để đầu tư tạo bước đột phá, tác động theo chuỗi, nếu thấy khâu nào đó yếu, ví như đối với dược liệu của Nghệ An, thì ngành sẽ tìm các quỹ gen quý để cung cấp cho doanh nghiệp đầu tư, khởi động dự án, theo đó có thể doanh nghiệp bỏ ra chi phí 70%, ngành KHCN bỏ ra 30%... Hiện nay ngành đang mời các đơn vị như Nam Dược Bảo Long hay Tuệ Linh về tìm hiểu, đầu tư. Còn theo ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng chăn nuôi Sở NN&PTNT, thì giải pháp chăn nuôi bò ở Nghệ An sẽ đi theo  2 hướng: bò giống và bò hàng hóa. Ngành đang áp dụng theo “chuỗi” bằng đầu tư các mô hình chăn nuôi VietGAP nông hộ, hiện đã có 30 nhóm. 

Hiện nay có một  thực tế chung là nhà nông, khâu sản xuất đầu tiên của chuỗi giá trị thường chịu thiệt thòi nhiều nhất, lợi nhuận được hưởng thấp nhất, trong khi đó một số khâu trung gian như thương mại lại “ăn hời” rất nhiều trước khi đến được nhà sản xuất là doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng. Cụ thể như đối với mía, khâu trung gian thương mại trước khi đến tay các nhà chế biến, người tiêu dùng tồn tại từ lâu, là một khâu yếu, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục...

Có nhiều ý kiến cho rằng, Nghệ An cần xác định lại các sản phẩm nông nghiệp lợi thế để ưu tiên đầu tư theo chuỗi, trong đó gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để thực hiện. Các sản phẩm lợi thế cần được sản xuất đảm bảo bao tiêu chắc chắn, liên kết với thị trường và thực hiện theo từng khâu trong điều kiện cho phép; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Nghệ An đã có công nghiệp chế biến mía đường, chè, sắn, song vẫn cần thêm những nhà máy công nghệ hiện đại hơn nữa. Người nông dân cần sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, cung ứng đúng thời điểm, không sản xuất ồ ạt, dẫn đến dư thừa như dưa hấu,  hành tây, hành tím… thời gian qua ở một số địa phương. Bên cạnh nhà nông cần được cung cấp thông tin từ doanh nghiệp và nhiều kênh khác, thì Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp phải tích cực tham giá vào quá trình chuỗi và xác định được khâu yếu kém để đảm bảo chuỗi có hoạt động tốt...  

Trân Châu