(Baonghean) - Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, vụ thu năm nay toàn tỉnh sẽ tiến hành trồng mới 1.900 ha chè, tăng 900 ha so kế hoạch ban đầu. 

Đợt nắng nóng cao điểm mùa hè qua đã khiến hơn 300 ha chè trên địa bàn huyện cháy rụi. Tuy nhiên, trên những đồi chè, những mầm chè đang dần tìm lại được sức sống, những gốc chè cháy rụi đã được bà con đào bỏ để chuẩn bị thay vào đó những bầu chè chất lượng. 

Trong đợt nắng hạn vừa qua, toàn xã Long Sơn (Anh Sơn) có 117 ha chè bị ảnh hưởng, bà con phải tiến hành trồng mới gần như toàn bộ. Sau tổn thất vừa qua, bà con cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong trồng chè như tập trung trồng nhiều ở những sườn đồi phía Đông để tránh nắng chiều, trồng xen chè cùng với các loài cây khác để che bóng mát và quan trọng là khi đặt bầu chè cần đào sâu hố hơn để cho rễ ăn sâu vào lòng đất, vừa dễ hút nước lại đảm bảo các chất nuôi dưỡng chè. 

Nông dân xã Thanh Thủy (Thanh Chương) chăm sóc, phục hồi diện tích chè bị nắng hạn.

Huyện Anh Sơn đang chuẩn bị trồng mới 156 ha chè, chủ yếu tại các xã Cẩm Sơn, Phúc Sơn và Hùng Sơn. Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trong tổng số 2.577 ha chè trên địa bàn, sau đợt nắng nóng đã có 194 ha thiệt hại hơn 70% phải tiến hành trồng mới. Với diện tích 263 ha thiệt hại, huyện đã kịp thời chỉ đạo tăng cường chăm sóc ngay sau khi có mưa, kết thúc đợt nắng hạn để chè kinh doanh phục hồi nhanh chóng, đặc biệt đối với diện tích bị cháy toàn bộ tán lá.

Còn tại huyện Thanh Chương, người trồng chè cũng đang tích cực chuẩn bị cho vụ trồng mới. Xã Thanh Thủy có tổng diện tích 485 ha chè. Từ đầu năm đến nay, xã trồng mới hơn 50 ha chè. Xã đang tập trung chỉ đạo chăm sóc vườn ươm song song với phục hồi những diện tích chè bị ảnh hưởng trong đợt nắng hạn vừa qua...


Số liệu từ Sở NN&PTNT, vụ thu năm nay toàn tỉnh sẽ tiến hành trồng mới 1.900 ha chè, tăng 900 ha so kế hoạch ban đầu. 

Theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì sẽ hỗ trợ 1.500 đồng/bầu giống chè Tuyết Shan, với mật độ trồng 3.300 bầu/ha; hỗ trợ giống chè LDP1, LDP2, chè chất lượng cao với mức 400 đồng/bầu, mật độ trồng 16.000 bầu/ha; hỗ trợ chi phí làm đất trồng mới chè mức 5.000.000 đồng/ha đối với các huyện: Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương; hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha đối các huyện còn lại. Đây được xem là “chất xúc tác” hiệu quả để hỗ trợ bà con phục hồi màu xanh trên những đồi chè.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN