(Baonghean.vn)- Hiện nay, ngành kỹ thuật điện tử có rất nhiều ứng dụng trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, ngành kỹ thuật điện tử đang đóng vai trò quan trọng, tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy nhu cầu cũng như chất lượng nguồn nhân lực trong ngành luôn là một vấn đề nóng hổi.
 
Xuất phát từ nhu cầu đó, Khoa kỹ thuật điện tử - Trường Cao đẳng nghề KT-CN Việt Nam – Hàn Quốc được xác định là một trong những khoa chủ chốt, đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu của nhà trường.
 
Để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo được giao phó, khoa không ngừng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ; chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại, hòa nhập với khu vực và quốc tế. Hiện nay, tổng số giảng viên của khoa là 22 người, trong đó có 15 thạc sĩ, 7 kỹ sư. Có giảng viên được đào tạo tại Hàn Quốc, 7 giảng viên được đào tạo tại Malaysia. Đội ngũ giảng viên luôn được trang bị các kiến thức công nghệ mới tiên tiến phù hợp với thực tế của sản xuất và đời sống.
images1549088_gi__h_c_l_p_tr_nh_plc_c_a_sinh_vi_n_ngh___i_n_t__c_ng_nghi_p.jpgGiờ học lập trình PLC của sinh viên nghề điện tử công nghiệp.
 
Hàng năm, khoa đào tạo gần 200 cử nhân cao đẳng. Hiện nay, cả hai nghề mà khoa đang đảm trách là điện tử công nghiệp và cơ điện tử đều được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Với nghề điện tử công nghiệp, sinh viên sau tốt nghiệp có thể thực hiện tốt các công việc: Vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị điện tử công nghiệp, tự động hóa các dây chuyền sản xuất và điện tử dân dụng; Lập trình phần mềm nhúng điều khiển các thiết bị công nghiệp và dân dụng dùng chip vi điều khiển; Lập trình và vận hành thành thạo thiết bị, hệ thống PLC; Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ tính toán, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa các thiết bị và hệ thống điện tử.
 
 Nhờ đó, các em có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp các thiết bị điện tử, các nhà máy, phân xưởng có dây chuyền sản xuất tự động, trạm bảo hành, bảo trì các thiết bị và hệ thống điện tử.
 
Với nghề cơ điện tử, sinh viên sau tốt nghiệp có thể vận hành, bảo trì, lắp ráp và sửa chữa thành thạo các thiết bị hệ thống cơ điện tử, hệ thống dây chuyền tự động trong các nhà máy và trong các ứng dụng khác. Các em có cơ hội làm việc tại các nhà máy có ứng dụng hệ thống sản xuất tự động như: nhà máy xi măng, nhà máy chế biến sữa, nhà máy bia, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy sản xuất gạch granite và các dây chuyền tự động khác; các trạm bảo hành, bảo trì các thiết bị và hệ thống cơ điện tử.
 
Bên cạnh đó, tất cả các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có thể sử dụng được tiếng Anh trong công việc chuyên môn; đủ năng lực tiếng Hàn Quốc để tham gia thi tuyển lao động làm việc tại Hàn Quốc; có ý thức cộng đồng và tác phong công nghiệp. Thực tế cho thấy, sau khi tốt nghiệp, trên 90% sinh viên Khoa Kỹ thuật điện tử có việc làm với mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp sinh viên được phép học liên thông lên đại học tại các trường: ĐH Bách khoa Hà nội, ĐH SPKT Vinh, ĐH SPKT Hưng Yên… 
 
Bài, ảnh: Minh Quân