(Baonghean.vn) - Thành phố Cam Ranh trước ngày tàu rời bến ra Trường Sa đâu đâu cũng râm ran chuyện quân đi. Từ cửa hàng nhỏ cho đến các siêu thị, từ cửa hàng bán thuốc tây đến quán cà phê... Tại chợ Mỹ Ca (TP Cam Ranh), các sạp hàng đều nhộn nhịp hơn ngày thường bởi công việc đóng những gói quà, kiện hàng mà người nhà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa mua gửi cho người thân mình đón Tết. 
 
Từ những chậu mai, những bó hoa cúc, đến gói hương trầm, gói ngũ vị hương, ống giang và lá dong, ống ớt cay muối, lọ mắm cá cơm, từ các nhu yếu phẩm đến các loại mỹ phẩm... Đâu đâu cũng ríu rít lời thăm hỏi, nhắn gửi, hoặc nhờ chuyển túi quà ra để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa ăn Tết cổ truyền. 
 
images1114375_chuan_bi_len_tau.jpgChuẩn bị lên tàu với những túi quà.
 
Ngày xuất phát tại cầu tàu quân cảng Cam Ranh, trước lúc lên đường, 4 tàu hải quân đã “no” hàng Tết. Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tất cả các nhu yếu phẩm phục vụ dịp Tết đều được chuẩn bị và gửi ra đầy đủ nhất ở mức có thể. Từ cây quất Tết, đèn nháy đến những nụ hoa để gắn các câu hỏi tổ chức đêm vui hái hoa dân chủ, dây thừng để chơi kéo co, thanh tre để tổ chức múa sạp...Trong các thứ tiếp phẩm mang ra phục vụ Tết, có một thứ “tiếp phẩm sống” không thể thiếu, đó là lợn. Bốn tàu đi bốn tuyến đảo lần này mỗi tàu đều chất hàng chục con lợn béo tầm, có con hơn cả trăm ký. Những cư dân huyện đảo Trường Sa cũng không thể thiếu được tiết mục quen thuộc ở các làng quê đất Việt trong bữa tất niên đó là làm thịt lợn, lấy thủ vĩ để cúng, cỗ lòng và nước xáo để vui liên hoan, thịt lợn để cúng và ăn trong ba ngày Tết. 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Nhuận - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết để Trường Sa gần hơn với đất liền trong tình cảm, trong sự tiếp nối mạnh nguồn truyền thống yêu nước và tinh thần trách nhiệm với những người làm nhiệm vụ bám biển, giữ đảo, thời gian qua tuổi trẻ tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối giữa đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và khối các trường phổ thông với cán bộ và chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa. 
 
Cao Thị Thảo Lư hát cùng các chiến sĩ hải quân tàu HQ 571 bài “Nối vòng tay lớn”
 
Nổi bật trong đoàn người đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa xuống tàu trong chuyến “xông đất” đầu năm 2015 là một “hoạt náo viên”, đi đến đâu “hoạt náo viên” này đều tạo ra không khí sôi nổi, rộn ràng. “Hoạt náo viên” này có tên là Cao Thị Thảo Lư, sinh viên năm cuối khoa kinh tế Đại học Nha Trang. Vừa thấy Thảo Lư tập hợp nhóm chiến sĩ ở tàu HQ 996 lại để cô kể chuyện vui, chụp ảnh chung, lại thấy cô đang đứng dưới mạn tàu để lĩnh xướng cho các chiến sĩ hải quân tàu HQ 571 hát bài “Nối vòng tay lớn”. Được biết Thảo Lư là một cây văn nghệ sôi nổi của khoa kinh tế Đại học Nha Trang. Cô nữ sinh này được biết đến với tấm lòng thiết tha với Trường Sa. 
 
Khi tàu Hải Dương 981 kéo vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thay vì tụ tập xuống đường biểu tình, Cao Thị Thảo Lư cùng với sinh viên Đại học Nha Trang đã tổ chức các hoạt động như: Hát cho cán bộ chiến sỹ Trường Sa nghe trực tiếp qua sóng điện thoại di động, bất kỳ khi nào cán bộ chiến sỹ Trường Sa muốn nghe; hát theo yêu cầu phục vụ chiến sỹ Trường Sa qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Thảo Lư chia sẽ với phóng viên Báo Nghệ An: “Không khí chia tay như thế này em rất sợ các chiến sỹ bịn rịn, lưu luyến, nên hễ thấy chỗ nào vẻ mặt hơi “chùng” là em chạy đến chuyện trò và tổ chức hát hò vui vẻ để lấy tinh thần”. Trên tay Thảo Lư là một tập những mảnh giấy nhỏ, cô đưa cho tôi một tờ, trên đó ghi: “Em là Thảo Lư, em rất quý bộ đội hải quân, các anh quanh năm bốn bề chỉ có gió biển, nhất là các đồng chí mới lần đầu ra đảo chưa quen sóng gió chắc buồn lắm. Thế nên em mong những lúc rảnh rỗi như chủ nhật chẳng hạn các anh hãy gọi qua số 01694430461 em sẽ hát tặng các anh. Nếu được các anh ngồi thành từng nhóm mở loa ngoài nghe cũng được. Ước mong của em là mang chút hơi ấm từ đất liền gửi tới các anh. Được hát cho các anh là niềm vinh hạnh của em...”. Thảo Lư lại chạy đến với nhóm chiến sĩ khác. 
 
Tại cầu cảng, nữ sinh Đoàn Ngọc - sinh viên năm thứ 3 Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đang tìm hỏi các chiến sỹ đến với các điểm đảo để gửi tặng tập thơ do chính Đoàn Ngọc sáng tác với tên gọi Ngược sóng. Đoàn Ngọc cho biết đó là tập thơ em đã thao thức suốt nhiều tháng trời khi nghe tin biển Đông “dậy sóng”. Đoàn Ngọc cho biết cô đã viết “Ngược sóng” bằng xúc cảm mãnh liệt từ những sự cống hiến của những chiến sĩ trẻ mang tuổi thanh xuân lên đường làm nhiệm vụ canh giữ cho bình yên của Tổ quốc. Tập thơ là tấm lòng cô gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và chỉ mong những câu thơ hồn nhiên giàu cảm xúc đó góp thêm một sự động viên, một niềm vui, để cán bộ và chiến sỹ Trường Sa biết rằng các anh luôn luôn sáng đẹp trong trái tim tuổi trẻ.
 
Các chiến sỹ trên tàu HQ996
Tiễn những người mang mùa xuân ra đảo
 
Tàu HQ 571 rời bến sau cùng, đoàn người tiễn đưa vẫn đứng vẫy tay chào ở chân cầu cảng. Lúc này, những cơn sóng lừng lững đã đón đoàn ngay từ cửa vịnh Cam Ranh. Trên mạn tàu, nhiều người rút điện thoại ra chào người thân trước khi vào vùng mất sóng. Bất chợt bên cạnh tôi một giọng Nghệ oang oang “Em và con khỏe nhé, ở nhà mẹ con cố gắng, bố đi nhiều lần rồi, không lo gì cho bố đâu nhé! Hết nhiệm vụ bố lại về như mọi lần”. Hỏi thăm thì biết anh là thượng úy Phan Ngọc Anh, quê ở Lộc Hà (Hà Tĩnh). Đến nay anh Phan Ngọc Anh đã có 158 tháng sống và làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Sinh năm 1975, nhập ngũ năm 1996, đến nay anh Phan Ngọc Anh đã có tổng cộng 13 năm 2 tháng ở quần đảo Trường Sa, và con số đó từ ngày hôm nay sẽ bắt đầu được nối dài thêm. Bàn chân chàng trai xứ Nghệ này đã đi gần khắp lượt các điểm đảo ở Trường Sa, có những điểm đảo anh đã đóng quân 3 lần như Đảo Nam Yết. Lần này anh ra điểm đảo Trường Sa Đông, đây cũng là điểm đảo anh ra nhận nhiệm vụ lần thứ 2, lần anh ra với Trường Sa Đông đầu tiên từ tháng 7/2007 đến tháng 1/2009. Năm nay tròn 40 tuổi, trong số 40 năm đó thiếu úy Phan Ngọc Anh đã có 1/3 thời gian giành cho Trường Sa. Anh tâm sự: “Mình luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì một tình yêu Trường Sa đặc biệt. Với mình, Trường Sa quen thuộc và gần gũi đến độ đi xa là thấy nhớ. Nhưng đặc biệt hơn, là “hậu phương nhỏ” ở nhà vẫn vững vàng. Vợ mình là Phan Thị Bình, kế toán công ty môi trường ở huyện Kỳ Anh, luôn động viên và tạo tin tưởng để mình yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Con trai đầu là Phan Ngọc Thạch nay đã học lớp 5, con gái út Phan Thị Khánh Huyền nay đã 5 tuổi. Gia đình hạnh phúc, làng xóm tin yêu, đi đâu và lúc nào cũng nhận được sự quan tâm, chăm lo của mọi người nên rất vững tâm.”
 
Ra với Trường Sa trên con tàu HQ 571, trong những người thay quân còn có Thiếu tá Nguyễn Văn Minh sinh năm 1976. Đây là lần thứ 4 anh ra với Trường Sa và lần này để nhận nhiệm vụ là cụm trưởng Trường Sa Đông. So với các chuyến đi trước, chuyến đi này đầy bịn rịn vì sau lưng anh - nơi thành Vinh yêu dấu có người vợ trẻ thân yêu và 2 cô con gái bé bỏng, nhất là cô con gái thứ 2 mới chào đời hơn 1 tháng.
 
Chiếc tàu rời bến ra Trường Sa
 
Cùng đứng trên boong tàu nhìn về phía đất liền không rời mắt là anh Trần Văn Huy – một nhân chứng đặc biệt trên chuyến đi này. Anh Huy quê ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là người từng có mặt trên tàu Kiểm Ngư 22, con tàu xuất hiện ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Anh Huy đã cùng tàu Kiểm Ngư có mặt ngay từ ngày 2/5 đến ngày 17/7/2014, đấu tranh ròng rã không rời mục tiêu suốt 74 ngày đêm liền, cho đến khi dàn khoan Hải Dương 981 kéo khỏi vùng biển Việt Nam thì Trần Văn Huy mới cùng tàu Kiểm Ngư 22 trở về đất liền. 
 
Anh Trần Văn Huy dẫn chúng tôi vào nơi để hành lý, mở laptop cho chúng tôi xem những hình ảnh sống động, chân thực mà anh và những người lính kiểm ngư Việt Nam ghi lại được trong những ngày kiên quyết đấu tranh đẩy đuổi được kẻ thù. Anh Huy tâm sự: Đó là những ngày đáng nhớ, chúng tôi xác định mình đang đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, nhưng không ai trong tàu sờn lòng mà luôn vững vàng ý chí, bình tĩnh và cương quyết đấu tranh tới cùng. Vì chúng tôi biết rằng biển Đông dậy sóng thì trong lòng của người Việt cũng bão nổi, và đó là sức mạnh vô song mà bất cứ kẻ thù nào, dù lớn mạnh và hung bạo đến mấy cũng khiếp sợ. Chúng tôi vững tin không chỉ vì ta có chủ quyền hợp pháp, ta có công luận ủng hộ, ta có lực lượng kiểm ngư, hải giám, hải quân của ta đang mạnh lên, mà cốt yên là ở lòng dân ta. Lòng yêu nước nồng nàn, yêu từng tấc đất và vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của nhân dân ta chính là điểm tựa, là sức mạnh mà chúng tôi mang theo mỗi khi ra biển. 
 
Chúng tôi hiểu rằng, những chuyến tàu thay thu quân và thăm tặng quà đầu năm 2015 không chỉ trĩu nặng những món quà, mà còn trĩu nặng tấm lòng dân. Lòng dân, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trong dịp đầu năm mới 2015, đó là “quốc bảo” để giữ nước. Còn lòng dân thì chúng ta không sợ mất nước! 
 
Bóng những người đưa tiễn dần khuất xa, tàu HQ 571 bắt đầu tăng tốc băng băng hướng về cực đông của Tổ quốc, những câu chuyện mà Thảo Lư, Đoàn Ngọc, anh Phan Ngọc Anh, Trần Văn Huy... mà chúng tôi và những chiến sĩ lần đầu ra Trường Sa được thấy, được nghe kể càng lúc càng khắc sâu và khơi gợi biết bao điều sâu kín. Đó cũng là những mẩu chuyện về lòng dân, là những “quốc bảo” mà chúng tôi được tiếp thêm ngay ở nơi cửa biển, để mang theo trên hành trình đem Tết cổ truyền của dân tộc đến với Trường Sa.
 
Ngô Kiên
 (Email từ Trường Sa)