Đâu là cái gốc của vấn đề?

(Baonghean) - Ngày 13/3 vừa rồi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã đích thân đi kiểm tra đột xuất tại một quán cà phê và ông bắt gặp được khá nhiều công chức đang uống cà phê tại quán hàng trong giờ làm việc.

Ở phạm vi gần, thời gian vừa qua có một vị bí thư huyện ủy yêu cầu cán bộ, công nhân viên cơ quan không được truy cập internet trong giờ làm việc, nếu chưa được cán bộ phụ trách trực tiếp cho phép. Lý do mà vị bí thư huyện ủy này đưa ra là để tránh tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng máy tính cơ quan để triền miên lướt “nét” trên internet, vừa lãng phí điện, phí dịch vụ internet, vừa không tập trung vào công việc của cơ quan.

Hai sự việc trên đều đáng được quan tâm và đã có không ít ý kiến phản hồi, bày tỏ, trong đó có những ý kiến trái chiều nhau. Có người tỏ ra vui mừng cho rằng việc làm trên đã đánh động đến đội ngũ cán bộ, công chức tại nơi có đồng chí đứng đầu nghiêm khắc, cho dù có phần cứng rắn, máy móc. Cũng có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn cho rằng đó mới chỉ là cách khắc phục hiện tượng, biểu hiện, chưa khắc phục được bản  chất. Nếu công chức được làm việc trong bộ máy hành chính được vận hành một cách khoa học, hợp lý, có hiệu lực, hiệu quả; môi trường lao động có khối lượng công việc lớn, trách nhiệm, nghĩa vụ đi liền với quyền lợi; tính chất công việc quan trọng và thiết thực đối với cơ quan, thiết thực đối với chính bản thân thì sẽ không hoặc ít có chuyện công chức có thể thoái mái khi rời nhiệm sở.

Lâu nay, chúng ta vẫn thẳng thắn thừa nhận bộ máy hành chính mặc dù đã cải cách nhiều khâu nhưng vẫn đang rất cồng kềnh, vận hành kém hiệu lực, hiệu quả. Thậm chí, nhiều bộ phận nặng về hình thức, không gắn với các đầu việc cụ thể, không có sản phẩm cụ thể và hiệu quả công việc khá mơ hồ, không rõ ràng. Không ít bộ phận mặc dù có chức năng, nhiệm vụ quy định rất rõ nhưng khi đi vào hoạt động lại chỉ tồn tại mang tính hình thức, hoạt động cầm chừng, ít đem lại tác dụng, tác động thiết thực đối với đời sống xã hội, với người dân, đối với hệ thống chính trị cũng như bộ máy hành chính nhà nước.

Một bộ phận công chức đang làm những việc mà bản thân người công chức đó cũng chưa biết được có đem lại kết quả gì cho cơ quan, đoàn thể, cho tổ chức, cho xã hội hay cho từng người dân cụ thể. Thế nên mới sinh ra một bộ phận công chức làm việc làng nhàng, thái độ, tinh thần làm việc rất yếu kém, thậm chí bạc nhược theo kiểu "nhàn cư vi bất thiện". Không có gì là lạ khi ngày càng xuất hiện rất nhiều quán cà phê chủ yếu để phục vụ dân công sở, rồi sinh ra “tình công sở”, sinh ra lớp cán bộ “chân trong chân ngoài”, chẳng những không tham gia có hiệu quả các phần việc cơ quan mà có khi còn làm cho nội bộ cơ quan thêm phức tạp, tinh thần làm việc của cơ quan thêm suy yếu. Và, các yếu kém, tồn tại, khuyết điểm rất dễ sinh ra từ đó.

Đó là chưa nói đến kiểu cán bộ, công chức “sa-lông”, xa dân,  “thò chân gầm bàn” tham mưu cơ chế, chính sách, dẫn đến khá nhiều cơ chế, chính sách có độ “vênh” rất cao với hiến pháp, pháp luật, với thực tiễn, dẫn đến nhiều văn bản, thông tư “chết yểu”, không hiệu lực.

Chẳng thế mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng thẳng thắn cho rằng ở Việt Nam hiện nay “30% công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu "sáng vác ô đi tối vác về", không đem lại bất cứ hiệu quả công việc nào”. (Phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào chiều 25/1, tại trụ sở Chính phủ).

Mặt khác, bộ máy hành chính Nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu và chưa phát huy trách nhiệm, trí tuệ, năng lực sáng tạo và sự tận tụy của công chức. Vậy nên, việc tìm đến ly cà phê hay bàn phím để giải quyết tình trạng công chức trốn giờ, sao nhãng công việc, có lẽ chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Đó cũng là điều các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý cần suy ngẫm.

Đức Dương