Từ hơn 30 năm nay, số ca ung thư tinh hoàn tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, mọi người không nên hoang mang bởi căn bệnh này đang được hưởng những thành quả to lớn của điều trị sinh hóa, làm thay đổi bản chất về tiên lượng bệnh, với tỷ lệ chữa khỏi hơn 95%.
Cho dù không phải là loại phổ biến nhất trong các ung thư tiết niệu, ung thư tinh hoàn thường gặp sau tuổi dậy thì đã trở thành loại ung thư hay gặp nhất ở người trẻ từ 20-35 tuổi. Tỷ lệ thường gặp trung bình là 6 ca/100.000 người dân.
Một số yếu tố thuận lợi cho ung thư tinh hoàn là tinh hoàn chưa xuống bìu, loạn sản tế bào sinh dục bao gồm cả teo tinh hoàn và các rối loạn vô sinh. Một số yếu tố môi trường, đặc biệt là nội tiết tố, nguồn gốc do mất thăng bằng tuyến nội tiết trong thời kỳ bào thai cũng có thể trở thành điều kiện gây bệnh thuận lợi.
Làm sao phát hiện bệnh?
Bệnh có thể chẩn đoán dễ dàng qua việc tự khám bìu thấy một khối u tinh hoàn. Trước đây, sự khám nghiệm phối hợp giữa nhà trường với bệnh viện đã cho phép phát hiện ung thư tinh hoàn ở thanh niên. Trong trường hợp khó chẩn đoán, siêu âm phối hợp với siêu âm Doppler màu giúp xác định chẩn đoán.
Một số xét nghiệm máu đặc hiệu với khối u mầm như Alpha-phoeto-proteine và nội tiết tố Gonadotrophique chorionique (HCG). Những xét nghiệm này khẳng định chẩn đoán và nếu nồng độ cao cho phép tiên lượng bệnh và là yếu tố để theo dõi hiệu quả điều trị. Cho dù ít đặc hiệu hơn, Lactate-dehydrogenase (LDH) cũng có giá trị tiên lượng bệnh.
Các giai đoạn của bệnh
Có thể phân ra các giai đoạn như sau: Giai đoạn T tương ứng với sự lan tỏa tại chỗ của khối u với 4 mức độ. Giai đoạn N tương ứng với việc lan tỏa đến các hạch sau phúc mạc có 3 mức độ. Giai đoạn M tương ứng với sự di căn tới các cơ quan khác và sau này bổ sung thêm giai đoạn S tương ứng với các đánh dấu (Marqueurs) đặc hiệu.
Chữa trị thế nào?
Khi chẩn đoán ung thư tinh hoàn có thể chỉ định phẫu thuật cắt tinh hoàn. Sau khi cắt tinh hoàn, nên đặt tinh hoàn giả cho bệnh nhân với mục đích ổn định tâm lý cho người bệnh. Ngoài ra, khuyến cáo người phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn nên thu giữ tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng trước khi phẫu thuật, vì lý do một số thuốc trong điều trị ung thư tinh hoàn có thể gây mất tinh trùng ảnh hưởng tới việc có con sau này. Người bệnh cũng không nên lo lắng nhiều cho cuộc sống phòng the sau đó vì phẫu thuật này không gây rối loạn tình dục.
Những nghiên cứu giải phẫu bệnh và đánh giá mức độ khu trú hay phát tán của khối u (CT bụng ngực) sẽ giúp hướng tới những điều trị bổ sung cần thiết. Nếu là khối u tinh hoàn khu trú, tùy theo dạng tế bào có thể đặt ra việc chiếu tia xạ ổ bụng, dùng hóa chất hoặc nạo vét hạch sau phúc mạc, hay thậm chí chỉ cần theo dõi thông thường.
Dạng tiến triển với sự khuếch tán của tế bào ung thư vào hạch ổ bụng hay thậm chí vào cơ quan khác cần điều trị hóa chất nhiều đợt phù hợp với mức độ nặng nề của sự khuếch tán cũng như tỷ lệ marqueurs tumoraux.
Sau điều trị hóa chất, đôi khi cần phẫu thuật vét hạch còn sót lại hoặc di căn.
Trong tình huống hiếm gặp hơn là ung thư tinh hoàn hai bên xảy ra đồng thời, thứ phát hay ung thư trên một tinh hoàn độc nhất (chỉ có duy nhất một tinh hoàn) có thể cắt tinh hoàn bán phần (với điều kiện khối u nhỏ và được phát hiện sớm).
Đại đa số bệnh nhân được điều trị khỏi với các phương pháp điều trị nói trên. Sau mổ cần theo dõi đều đặn chỉ số marqueurs tumoraux và CT.
Tự khám bìu được khuyến khích cho tất cả bệnh nhân từng bị ung thư tinh hoàn đã được điều trị để phát hiện sớm bệnh có thể tái phát.
Theo SK&ĐS