(Baonghean) - Trong dòng hồi tưởng chạm vào trầm tích văn hóa trăm năm, già Cao Văn Lý kể cho tôi nghe chuyện lập bản, lập mường và cả nỗi niềm đau đáu tìm về những nét duyên xưa, khôi phục lại những làn điệu, những nghi lễ của Đám lục ngoạt - Lễ hội Đền Choọng năm nào... 

Đội văn nghệ bản Xết (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) tại lễ khánh thành giai đoạn 1 tôn tạo và phục dựng đền Choọng.
Đội văn nghệ bản Xết (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) tại lễ khánh thành giai đoạn 1 tôn tạo và phục dựng đền Choọng.

Sinh năm 1938, nay đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng già Cao Văn Lý vẫn nhớ như in những câu chuyện được nghe kể ngày từ thời thơ bé. Chậm rãi nhấp ngụm chè đâm sóng sánh, già kể rằng, ở đền Choọng mỗi năm có hai lễ chính là Đám Lục Ngoạt tổ chức vào Rằm tháng Sáu âm lịch và Lễ Tất niên tổ chức vào dịp 25 tháng Chạp. Đám lục ngoạt thủa bấy giờ có tầm ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều khách xa từ mạn Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành, Nghĩa Đàn… về tham gia tế lễ. Một nghi thức quan trọng trong Đám Lục Ngoạt là lễ hầu giá, lễ rước linh giá với sự góp mặt của các phường trò (như các đoàn nghệ thuật ngày nay). Nhiều bậc cao niên trong vùng vẫn còn nhớ lễ rước linh giá trong Đám Lục Ngoạt bắt đầu từ đền Choọng vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước. Bao giờ cũng vậy, đi đầu đoàn rước là phường trò với xiêm áo rực rỡ, vừa đi vừa hát chúc thần:

“Chúc thần đã rõ. Chúc thọ đã rồi.

Nay chúc cho các quan viên bộ thọ ta nay cha làm nên quan con cũng làm nên quan. Chúc cho Mường Choọng ta mãi mãi yên lành, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh…”.

Trải qua hàng trăm năm, đến hẹn lại lên, mang theo tấm lòng thành kính, vượt muôn dặm đường xa, các nghệ nhân phường trò lại có mặt trong Đám Lục Ngoạt. Ghi nhận những đóng góp của phường trò và để việc đi lại tham gia tế lễ của các nghệ nhân đỡ phần vất vả, người dân Mường Choọng đã cắt đất, chia ruộng cho các gia đình phường trò, lập nên bản Xết, nằm cách đền Choọng chưa đầy một dặm. Điều này lý giải tại sao bản Xết là bản duy nhất trong vùng Mường Choọng và là một trong ít bản, làng ở Quỳ Hợp hiện có nhiều dòng họ cùng chung sống. Bên cạnh họ Vi, họ Lô, bản còn có nhiều gia đình mang họ Cao, họ Nguyễn, họ Trương…

Trải qua thăng trầm thời gian, những nghệ nhân đầu tiên ở lại Mường Choọng lập nên bản Xết không để lại tên tuổi, nhưng khiếu văn nghệ thì vẫn được truyền lại đến ngày nay. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng những người như Cao Thạch Thảo, Cao Thạch Cường… đều chơi đàn guita rất giỏi, có năng khiếu thẩm âm rất đặc biệt; hay anh Cao Văn Hình lại có biệt tài thổi hồn cho giàn cồng chiêng, trống hội; Cao Thạch Nghiên, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Tình… lại có biệt tài thổi kèn, làm chủ kèn lá, kèn môi một cách tài hoa hết mực. Bên cạnh những người giỏi xuối, lăm, nhuôn, thì ở bản Xết có rất nhiều người hát dân ca rất hay. Không biết tự bao giờ họ đã thuộc nằm lòng những điệu dân ca như ví đò đưa, hò khoan đi đường, giặm khuyên, tứ hoa, giặm kể… để rồi mỗi dịp vui, những kỳ liên hoan văn nghệ tiếng hát của họ lại cất lên lay động lòng người.

Câu chuyện của tôi và già Cao Văn Lý cứ thế dẫn dắt người nghe tìm về những nét duyên xưa, cảm nhận ở già đau đáu một nỗi niềm phục dựng lại những vốn quý của cha ông. Từng tham gia công tác xã hội, đảm nhận các chức vụ cán bộ văn hóa xã Khủn Tinh những năm 1957; cán bộ Phòng Giáo dục rồi Chánh Văn phòng Huyện ủy Mai Châu (Hòa Bình) những năm 1962 - 1965; Chánh Văn phòng Huyện ủy Quỳ Hợp những năm 1967…

Và nay là Chủ nhiệm CLB Văn hóa, Văn nghệ Người Cao tuổi xã Châu Lý, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi bản Xết. Đằng đẵng tháng năm già vẫn luôn mong góp chút sức mình để khôi phục những giá trị văn hóa bản sắc. Già cho biết, hoạt động của CLB Văn hóa, văn nghệ Người cao tuổi xã Châu Lý đã đi vào nề nếp. Những tiết mục văn nghệ của CLB được trình diễn tại các dịp hội Xuân, các dịp giao lưu văn nghệ... luôn được đánh giá cao. Sắp tới Câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ của bản Xết sẽ được thành lập. Già cùng mọi người sẽ sưu tầm, phục dựng lại những tích trò, những lời hát ca trù, chầu văn, chúc thần… phục vụ tế lễ đền Choọng. Để trong những năm tới, khi Đám Lục Ngoạt được tổ chức, đội văn nghệ của bản lại nối tiếp truyền thống của cha ông, góp phần khôi phục những nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Cao Duy Thái

TIN LIÊN QUAN