“Nuôi chữ” cho học trò nghèo
Một buổi trưa đầu tháng 8, dưới cái nắng gay gắt, oi nóng, chúng tôi về khối Hải Lam, phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò), gặp em Hà Thị Thu Phương, là một trong những “em nuôi” của đoàn viên, thanh niên Bộ đội biên phòng, trực tiếp là Chi đoàn Hải đội 2 nhận đảm nhiệm giúp đỡ từ năm 2014 tới nay. Phương chia sẻ: “Năm em học lớp 4, mẹ bị một căn bệnh kéo dài dẫn đến bại liệt, không còn khả năng lao động, sau đó bố mẹ chia tay. Từ đó, ba anh em về sống cùng bà ngoại”. Ngoại của Phương năm nay đã ngoài 90 tuổi, cuộc sống bấp bênh, thu nhập chỉ nhờ cậy vào trợ cấp cho người cao tuổi. Thương bà, thương mẹ, ngoài giờ học hay trong kỳ nghỉ hè, Phương đi làm thêm, tích góp tiền học phí cho năm học mới.
Cuộc sống mưu sinh bộn bề, nhiều khi Phương muốn bỏ học nhưng từ khi được các anh ở Chi đoàn Hải đội 2 quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ em cả về tinh thần lẫn vật chất, đã trở thành nguồn động viên lớn giúp em vượt lên hoàn cảnh. Mỗi dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, Phương đều được nhận quà, từ những cuốn vở mới đến tiền mặt. Thu Phương là 1 trong 3 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Chi đoàn Hải đội 2 nhận chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên.
Nhận chăm sóc, hỗ trợ học sinh nghèo thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã được Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai rộng khắp, giúp hàng trăm em học sinh nghèo vùng biên giới, hải đảo xứ Nghệ có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ “con chữ”. Đại úy Hà Huy Thiên - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, tính đến nay đã có 104 học sinh nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ. Kinh phí để thực hiện được phát động, trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, trong đó đoàn viên, thanh niên đóng vai trò xung kích. Thời gian nhận đỡ đầu cho đến khi các em hoàn thành chương trình THPT.
Điều đáng ghi nhận, cùng với sự hỗ trợ tiền mặt, các đồ dùng học tập thiết yếu, các đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu còn tích cực tham gia vận động học sinh có ý định bỏ học trở lại trường, đơn cử như trong 2 năm (2017 và 2018) đã vận động được 446 em.
“Nâng bước em tới trường” không chỉ giúp đỡ khó khăn trước mắt cho những em có hoàn cảnh éo le, vượt khó vươn lên học giỏi, mà còn ươm những mầm xanh tương lai, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết gắn bó, tình quân - dân trên địa bàn biên phòng”.
Địa chỉ tin cậy của nhân dân
Đến Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (QLXNC) thuộc Công an tỉnh Nghệ An, bộ phận “một cửa” lúc nào cũng đông nghẹt người. Xu hướng người dân đi du lịch, du học, làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng nên nhu cầu làm thủ tục xuất cảnh rất lớn. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu về các quy định, thủ tục, Chi đoàn Phòng QLXNC gồm 12 đoàn viên đã phân công nhau, với phương châm “buổi ngày tập trung lực lượng tiếp nhận hồ sơ, buổi tối huy động làm thêm, xử lý hồ sơ cho công dân”. Hàng ngày, các đoàn viên là cán bộ bộ phận “một cửa” đã vào vị trí trước 30 phút so với quy định để hướng dẫn người dân xếp hàng, đảm bảo an ninh, trật tự.
“Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, Chi đoàn xác định tham gia cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, tìm tòi các giải pháp rút ngắn thời gian cho người dân, xung kích tình nguyện làm thêm giờ”.
Với tinh thần “Làm hết việc mới nghỉ”, việc tiếp nhận hồ sơ thường kéo dài đến 12h trưa và 5h chiều. Thậm chí, các đoàn viên ở bộ phận xử lý hồ sơ còn cần mẫn làm tới 6 -7h tối. Điều đáng nói, vào những ngày cao điểm, lượng hồ sơ lên đến khoảng 1.200 lượt, song các đoàn viên, thanh niên luôn tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, chính xác, đúng quy trình, quy định, đảm bảo 100% công dân được nộp hồ sơ trong ngày, không phải đi lại nhiều lần gây phiền hà, tốn kém.
Phó Bí thư Chi đoàn Hồ Tuấn Anh cho biết thêm: “Vào ngày thứ Bảy hàng tuần, chi đoàn đều tăng cường đoàn viên trực tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người dân đăng ký, phục vụ các nhu cầu chính đáng của công dân”. Với sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm đó, cùng với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, đoàn viên đã đóng góp đáng kể vào kết quả công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt “3 giảm”: giảm hồ sơ, giảm chờ đợi và giảm số lần đi lại cho người dân.
" Các công trình, phần việc thanh niên xung kích thực hiện không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, mà còn xây dựng hình ảnh người cán bộ công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, trở thành địa chỉ tin cậy để người dân có thể "đặt hàng" những phần việc khó".
Tinh thần xung kích tình nguyện, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân lan tỏa, đã và đang được triển khai rộng khắp tại nhiều chi đoàn trực thuộc Đoàn Công an tỉnh Nghệ An. Hơn 25.000 lượt cán bộ, đoàn viên xung kích làm thêm ca, thêm giờ với hơn 60.000 ngày công đã minh chứng cho điều đó. Hàng loạt các hoạt động thiết thực được triển khai như “Ngày Chủ nhật vì dân” với hoạt động cấp chứng minh nhân dân miễn phí cho người già, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; chuyển giao mô hình phát triển kinh tế tại các xã miền núi…
Anh Phạm Văn Toàn - Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn cho biết: Trong Chiến dịch “Hành quân xanh” năm 2019 đã thành lập 75 đội tình nguyện với trên 1.015 đoàn viên là cán bộ, chiến sĩ của 3 lực lượng Đoàn Thanh niên Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh tham gia thực hiện nhiều công trình, phần việc trong cao điểm chiến dịch thanh niên tình nguyện hè. Thông qua các hoạt động đã tạo sự đoàn kết, gần gũi, gắn bó giữa quân và dân.