Chúng tôi về xã Hưng Châu (Hưng Nguyên), tìm đến làng Châu Sơn nằm dưới chân núi Nhón – từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ trong những ngày đầu thành lập Đảng. Từ xa, núi Nhón hiện lên với sắc xanh của rừng cây bạch đàn vươn lên trước nắng gió, phía trước là cánh đồng bát ngát đang vào độ chín, là làng mạc trù phú và yên bình. Các tuyến đường qua thôn xóm đều được rải nhựa và bê tông, dưới chân núi Nhón nhà cửa san sát, khá nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên.
Châu Sơn hiện có 100 hộ (khoảng 600 nhân khẩu), nguồn thu nhập hoàn toàn dựa vào đồng ruộng, cuộc sống của bà con được nâng cao, khoảng 70% số hộ thu nhập khá. Bình quân thu nhập ở mức 30 triệu đồng/người/năm, cùng với toàn xã, Châu Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bước chân trên những con đường rợp bóng cây, ông Lê Văn Liễu (87 tuổi) – nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên chỉ dẫn vị trí từng ngôi nhà xưa kia được Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm nơi hoạt động. Rồi con đường mòn dẫn ra núi Nhón mỗi khi có địch đến truy lùng, những điểm xưa kia cất giấu tài liệu bí mật và ghé thăm nhà cụ Hoàng Viện – Di tích lịch sử Quốc gia.
Nơi đây, Xứ ủy Trung Kỳ từng tổ chức hội họp trong quá trình lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), phong trào đấu tranh dân chủ (1936-1939) và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945). Đặc biệt, năm 1945 Việt Minh liên tỉnh triển khai hội nghị phổ biến kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền, để rồi sau đó nhân dân vùng lên giành lấy độc lập, tự do…
Từ đỉnh núi Nhón có thể nhìn gần khắp địa bàn Hưng Châu, làn gió mang theo hương lúa thơm ngào ngạt, cuộc sống đã thực sự đổi thay, khởi sắc, xóm làng phấn khởi trong niềm vui về đích nông thôn mới chưa lâu.
Ngọn lửa đấu tranh cách mạng bùng cháy ở Hạnh Lâm rồi nhanh chóng lan sang các vùng khác, hợp sức với công nông Vinh – Bến Thủy mở đầu một cao trào đấu tranh cách mạng rộng khắp – cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Để rồi, 15 năm sau, trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945), Hạnh Lâm lại trở thành một trong những lá cờ đầu của Thanh Chương trong việc giành chính quyền về tay nhân dân.
Lần tìm dấu tích đồn Ký Viễn xưa, giờ đây là những đồng lúa, bãi ngô xanh tốt; là những đồi chè xanh mượt và rừng keo bạt ngàn. Lúa, ngô, khoai, sắn cho người nông dân một cuộc sống no đủ; cây keo, cây chè giúp bà con vươn lên làm giàu, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú. Vùng đất vốn hoang sơ và xa ngái nay đã hình thành một thị tứ khá sầm uất, là trung tâm của tổng Cát Ngạn năm xưa, bộ mặt nông thôn hiện đại đã hiện hình. Người Hạnh Lâm hôm nay đã và đang viết tiếp những trang sử vàng, xứng đáng là những người con của vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với hào khí của người xưa.
Vùng đất đỏ Phủ Quỳ – nơi có những đồn điền rộng lớn cũng nhanh chóng hưởng ứng phong trao đấu tranh với khí thế ngày càng sục sôi, quyết liệt. Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí Võ Nguyên Hiến và Võ Thược lên Nghĩa Đàn gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, có hang Rú Ấm (nay thuộc xã Nghĩa Đức) là nơi khá kín đáo, có đồi núi bao quanh là điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động bí mật.
Vào giữa tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ ghép của 2 làng Thọ Lộc và Cự Lâm. Nơi gần 74 năm trước, ngày 22/8/1945, hàng ngàn người thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ thuộc các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng và lực lượng công nhân các đồn ở phủ Quỳ cùng tập trung hô vang khẩu hiệu đấu tranh và giương cao cờ đỏ sao vàng. Sau đó, kéo về huyện lỵ Nghĩa Đàn đấu tranh giành chính quyền.
Khắp các nẻo đường của quê hương Nghệ An đã rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ, nhân dân khắp các vùng đang hân hoan đón chào, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, đưa đất nước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tiếng hát cũng đang ngân vang khắp phố phường và làng bản…