(Baonghean.vn) - Nếu hiểu rõ lịch sử dân tộc, chúng ta càng trân trọng sự hy sinh tuổi xuân của thế hệ đi trước, càng xúc động mỗi khi lật lại từng trang thư thời chiến đã úa màu năm tháng!
Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, các gia đình Việt Nam lại tiễn người thân ra tiền tuyến. Trong hoàn cảnh ấy, người lên đường bịn rịn, người ở lại khắc khoải đợi chờ. Dẫu biết chiến tranh không hẹn ngày về nhưng ai cũng vẫn nuôi hy vọng sẽ được đoàn tụ bên nhau khi đất nước sạch bóng quân thù.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết bao thanh niên lứa tuổi 20 như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Lương Bằng... lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và rồi vĩnh viễn ra đi. Nhưng bản lĩnh sống, sự hy sinh, khát khao, ước mơ, tình yêu cháy bỏng, ý chí chiến đấu với niềm tin tất thắng của người lính năm xưa thì vẫn gửi lại thế hệ sau qua những trang thư viết vội trên mỗi chặng đường hành quân.
Đó chính là một phần của hiện thực sinh động về cuộc chiến tranh ác liệt, về tình yêu Tổ quốc đến mức quên mình, về tình yêu lứa đôi đẹp như truyện cổ tích nhưng khó trọn vẹn; giúp chúng ta khơi lại nhiều cảm nhận sâu sắc về một thời bom đạn đã lùi vào quá khứ từ hơn 40 năm qua.
Bối cảnh, thời điểm, tâm thế, trạng thái của những lá thư thời chiến có thể không giống nhau, nhưng dường như tất cả đều là những tâm tư, tình cảm, thể hiện quan điểm, nhận thức, ý chí về cuộc chiến tranh, đầy ắp tinh thần vượt qua gian khó, quyết tâm và quyết thắng với khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ khi nước nhà độc lập, thống nhất, non sông liền một dải.
Có nhiều lá thư viết xong chưa kịp chuyển đến tay người nhận thì tác giả đã hy sinh; cũng có những lá thư bị lưu lạc mấy chục năm sau mới đến tay người nhận, lại có lá thư trở thành báu vật duy nhất của người đã hy sinh gửi lại người đang sống...
Nhiều độc giả không nguôi xúc động về những lá thư chan chứa nỗi nhớ thương da diết và mong ngày đất nước toàn thắng để hội ngộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi cho người yêu là Phạm Thị Như Anh, thể hiện rõ khát khao, bản lĩnh mãi mãi tuổi hai mươi.
Đặc biệt hơn, có một chi tiết trong lá thư viết ngày 30/4/1971, cho chúng ta thấy sự trùng hợp kỳ lạ của hiện thực lịch sử. Thư viết: Bốn năm nữa Như Anh đã trở thành con người hoàn chỉnh, đã có thể trả lời câu hỏi: Hạnh phúc là gì?... Bốn năm nữa biết bao sự kiện sẽ xảy ra... Ngày 30/4/1975 thì Thạc và Như Anh đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “hạnh phúc là thế nào” nhé!
Còn Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bên cạnh những trang nhật ký viết về một thời khói lửa, đã để lại bức thư tình gửi cho Đại tá Khương Thế Hưng và anh Hưng cũng viết nhiều về Trâm.
Lá thư ngày 17/3/1969, Đặng Thùy Trâm viết: Tiếng súng chiến thắng đang nổ dòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, những người chiến sĩ Giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương - Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim… Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người Giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn…?
Đó là lời trách khéo léo của một người con gái đã hiểu và thông cảm cho người lính thời chiến coi phục vụ Tổ quốc lên trên hết, nhưng đừng quên tình yêu và hạnh phúc gia đình - chân lý giản dị ngàn đời.
Trong một lá thư của liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa viết ngày 19/2/1979 gửi cho bạn gái tên Thúy lại chứa đựng ý chí quyết thắng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Lá thư mãi 34 năm sau mới đến tay người nhận, trong đó có đoạn viết: Ngày mai anh sẽ ra phương Bắc để bước vào cuộc chiến mới. Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra, nơi đó quân thù đang giày xéo biên cương của Tổ quốc. Nơi đó đồng đội đang chờ anh... Em ơi, ngày mai anh đi về phương Bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly!... Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé... Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em. Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé - tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.
Đó hiện thực lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới đã làm cắt đứt tình yêu đôi lứa mà ít ai ngờ nó lại xảy ra sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp chính phủ cách mạng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng chưa kết thúc.
Trường hợp thư của liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái lại mang một màu sắc khác. Trong vòng 3 năm (1933-1936), bà đã viết hơn 100 lá thư gửi cho người yêu, người chồng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức thư nào cũng thể hiện sự nhớ nhung, quan tâm của người yêu, sau là người vợ trẻ với người chồng phương xa, luôn khẳng định tinh thần, lý tưởng cách mạng bền vững.
Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại vì điều kiện hoạt động cách mạng phải giữ bí mật khi ở trong nước và khi hoạt động ở Trung Quốc nên lâu lâu mới gửi về nhà một bức thư viết trên mẩu giấy thuốc lá. Thậm chí, thật đau xót khi nhiệm vụ cách mạng nặng nề, điều kiện liên lạc khó khăn, vì không biết Quang Thái đã hy sinh trong tù nên chồng vẫn tiếp tục gửi thư về địa chỉ người đã mất.
Trong lá thư của chiến sỹ Hoàng An viết ngày 26/3/1969 gửi cho Kim Dung “người vợ hiền sắp cưới” đã cung cấp cho chúng ta tư liệu sống động về tội ác của giặc Pháp và Mỹ, cho thấy ý chí quyết chiến đấu chống giặc ngoại xâm không chỉ vì nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn xuất phát từ “trả thù nhà, nợ nước” có đoạn: Có phải đến bây giờ chúng ta mới hiểu đâu mà ngay từ những buổi đầu khi trăng non mới ló, chúng ta cũng đã hiểu, hiểu một cách rất tự giác cái chân lý ngàn đời không thay đổi: tình yêu chưa thể trọn, hạnh phúc chưa thể đủ đầy khi quân thù đang còn dày xéo non sông. Và trong hoàn cảnh đó, đối với chúng ta thì hạnh phúc chỉ có thể hiện hình từ trong hy sinh gian khổ. Tình yêu chúng ta chỉ có thể trọn vẹn, hạnh phúc chỉ có thể đủ đầy khi mà xung quanh ta rộn vang những tiếng trống, tiếng kẻng - không phải là tiếng trống, tiếng kẻng báo hiệu quân cướp biển, cướp trời, cướp đất kéo đến mà là tiếng trống, tiếng kẻng báo hiệu một ngày hội thanh bình, một mùa xuân độc lập, tự do thực sự.
Mỗi lá thư thời chiến rất đỗi riêng tư nhưng tất cả lại cho người đọc cảm nhận nhiều điều về đời sống tinh thần của lớp thanh niên của xã hội thời chiến; góp phần làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn người lính tuy gian khổ nhưng luôn yêu đời, khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ, tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai.
Không những thế, nó chứa đựng nhiều thông tin xác thực về cuộc chiến tranh như: địa điểm, thời gian, tính chất ác liệt của trận đánh, kết quả tiêu diệt máy bay địch, sự càn quét của địch, quá trình di chuyển trận địa, tâm thái người lính trước khi vào cuộc chiến...
Đây là nguồn sử liệu phản ánh sinh động hiện thực tình yêu, cuộc sống chiến đấu, rèn luyện, sự hy sinh và khát vọng của người lính ở chiến trường gửi về quê nhà và cũng là nỗi mong đợi, động viên, chia sẻ, cầu nguyện của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến.
Vì vậy, thư thời chiến có giá trị như là sợi dây kết nối quá khứ tới hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến, thậm chí có nhiều chi tiết góp phần giải mã một số bí ẩn lịch sử./.
TS Lê Đức Hoàng
(Ban Tuyên giáo Trung ương)