(Baonghean) - Những ngày đầu năm, nhiều người dân vùng cửa biển tìm đến chùa Lữ Sơn (xã Nghi Quang, Nghi Lộc), cầu mong phúc lộc trong những chuyến vươn khơi bám biển, cầu mong trời yên, biển lặng để những chuyến ra khơi vào lộng luôn được bình yên.
Chùa nằm dưới chân dãy Lữ Sơn trải dài hình cánh cung chạy dọc theo hạ lưu con sông Cấm, là một trong những trận địa ác liệt thời đánh Mỹ. Theo lời các bậc cao niên, vùng đất này xưa có rất nhiều di tích lịch sử chùa, đền, miếu mạo, một miền quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Trong số những công trình văn hóa tín ngưỡng ấy, chùa Lữ Sơn được xếp vào tốp đầu bởi địa thế, quy mô và cảnh quan. Chùa được làm bằng gỗ lim, mỗi hàng có 5 cột. Từ sân chùa lên nhà hạ điện phải bước qua 18 bậc đá, mỗi bậc dài chừng 30m.
Khuôn viên chùa từng có rất nhiều cây cổ thụ, trong đó có 5 cây muỗm lớn, 2-3 người ôm không xuể. Trong chùa có hàng trăm pho tượng kích thước lớn nhỏ khác nhau làm từ các chất liệu như đồng, gỗ, đất nung. Trước sân chùa từng có bia đá ghi lại những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành, rất tiếc nay bị thất lạc. Chùa Lữ Sơn tọa lạc ở làng Xuân Áng, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc (nay là xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang), chùa xây dựng vào khoảng thời gian cuối thời Lê - đầu thời Nguyễn. Trải qua bao thế hệ, đây là nơi người dân vùng Thượng Xá gửi gắm đời sống tâm linh, thể hiện niềm ước mong về một cuộc sống yên bình, đặc biệt là với những người chuyên làm nghề chài lưới quanh năm bám biển.
Cũng như nhiều công trình kiến trúc văn hóa trong vùng, trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt, chùa Lữ Sơn xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng năm 1964, không quân Mỹ dội bom ào ạt, phá hỏng một số kiến trúc của chùa, bà con đành phải tạm dỡ ngôi chùa và cất giấu những cấu kiện, tượng Phật, đồ tế khí, bia đá... Những năm sau chiến tranh, đời sống gặp không ít khó khăn nên chưa thể phục dựng ngôi chùa. Do vậy, những cấu kiện bằng gỗ hầu hết đều bị hư hỏng, tượng, đồ tế khí và bia đá bị thất lạc nhiều. Nhưng trong tâm thức người dân xã Nghi Quang, chùa Lữ Sơn luôn tồn tại, đức Phật và các chư vị Bồ Tát vẫn luôn dõi theo phù hộ. Mỗi lần lễ tết hay trước lúc vươn khơi, bà con ngư dân đều đến nền chùa xưa để cầu mong. Mấy năm trước, người dân trong vùng đã quyên góp công đức xây trên nền đất cũ một ngôi chùa tạm và dựng lên một bức tượng Phật để hương khói thờ phụng và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng.
Ghé thăm chùa Lữ Sơn, chúng tôi được ông Nguyễn Trung Tao - một người dân ở Nghi Quang dẫn ra khuôn viên chùa chiêm ngưỡng lăng mộ cổ của các vị Tổ sư. Những lăng mộ này đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, có khắc những dòng chữ Nho và chữ Phạn. Những lăng mộ đầy rêu phong, nhiều cái đã bị bong tróc, xuất hiện những vết nứt lớn, tất cả đều in đậm dấu ấn thời gian. Tương truyền, hàng trăm năm trước, các vị sư trụ trì viên tịch đều được an táng trong khuôn viên nhà chùa. Quần thể lăng mộ cổ trong khuôn viên chùa Lữ Sơn là lời khẳng định về lịch sử lâu đời của ngôi chùa nổi tiếng ở đất Nghi Quang.
Ông Nguyễn Trung Tao còn dẫn chúng tôi ra UBND xã, nơi đang cất giữ chiếc chuông cổ của chùa Lữ Sơn. Chuông làm bằng đồng khắc dòng chữ “Lữ Sơn tự chung” (chuông chùa Lữ Sơn). Đường nét hoa văn được chạm khắc đẹp và tinh tế, giữa thân có những dòng chữ Hán cỡ nhỏ ghi lại những thông tin liên quan. Theo đó, chuông được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), nghĩa là cách đây gần 200 năm, khi làng Xuân Áng thực hiện việc trùng tu chùa Lữ Sơn. Chuông chùa Lữ Sơn vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn, với chiều cao 120 cm, đường kính miệng chuông 51 cm, trọng lượng khoảng 80 kg, góp thêm một minh chứng nữa để khẳng định bề dày lịch sử của ngôi chùa Lữ Sơn, gắn bó lâu đời với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân vùng đất thiêng Xuân Áng.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Quang cho biết: “Năm 2014, xã và huyện đã lập hồ sơ trình lên UBND tỉnh xin khôi phục chùa Lữ Sơn để đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Hy vọng hồ sơ sớm được tỉnh nghiên cứu và xét duyệt”. Người dân làng Xuân Áng xưa, xã Nghi Quang ngày nay đang mong mỏi được nghe tiếng chuông chùa Lữ Sơn vang lên vào mỗi buổi chiều, điểm tô vào sự bình yên của cảnh trí một vùng quê nơi cửa biển...
Công Kiên