“Đến thời điểm hiện nay, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả”, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nhận xét.
Vị Cục trưởng này cũng cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất.
Chi phí tiền thuê đất quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lãng phí trong sử dụng đất. Vấn đề này cần giải quyết như thế nào thưa ông?
Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất.
Theo số liệu của hệ thống thuế, thu từ thuê đất trong năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, nếu chia số này cho khoảng 200.000 doanh nghiệp thuê đất, thì mỗi doanh nghiệp đóng bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.
Nếu tính theo diện tích trên một mét vuông thì bình quân, thì cả nước chỉ thu tiền thuê đất là 2.316 đồng/m2. Cá biệt nhiều doanh nghiệp chỉ đóng từ 800-1.000 đồng/m2.
Tình trạng này là do chính sách trong giai đoạn vừa qua “nghiêng” về ưu đãi đầu tư và ưu đãi sản xuất để thu hút đầu tư. Việc ưu đãi là tốt nhưng quá nhiều và kéo dài gây bất hợp lý và làm “méo mó” thị trường.
Đất thuê của Nhà nước thì rất rẻ nhưng đất mặt bằng thuê của tư nhân lại rất đắt. Bản thân chi phí sản phẩm phải chịu chi phí thuê đất cao hơn làm cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Đây là một hậu quả xấu và không đảm bảo tính thị trường. Chính phủ đã giải quyết bằng Nghị định 121/2011 với việc nâng tiền thuê đất. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc nâng tiền thuê đất lên cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giãn việc tăng thu.
Khung giá đất hiện nay đã quá lạc hậu so với giá thị trường, Bộ Tài chính có đề xuất gì để tránh thất thu ngân sách do khoảng cách chênh lệch này?
Theo Luật Đất đai hiện hành, có 3 công cụ định giá đất. Chính phủ quyết định khung giá đất chung cho cả nước tương ứng với từng loại đất và vị trí đất. Căn cứ khung giá đất này, UBND cấp tỉnh quyết định bảng giá. Trong trường hợp bảng giá chưa sát, UBND quyết định giá cụ thể.
Việc Chính phủ quyết định khung giá rất có tác dụng trong giai đoạn đầu vì đây là căn cứ để đưa ra bảng giá. Khung giá đất vừa thể hiện quan hệ cung cầu, mục tiêu kinh tế chính trị.
Đến thời điểm hiện nay, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả. Khung giá xây dựng rất công phu và sửa rất khó, phức tạp.
Với thực tiễn thị trường và kinh nghiệm điều hành chính sách đất đai trong nhiều năm, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất. Sau khi bỏ khung giá, Chính phủ sẽ quy định phương pháp, nguyên tắc để UBND được xác định giá. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản hướng dẫn, UBND căn cứ giá thực tế chuyển nhượng để quyết định bảng giá. Bảng giá đất này sẽ làm “kỹ” hơn bảng hiện nay.
Để sát thị trường hơn, trong trường hợp bảng giá không sát giá thị trường, UBND cấp tỉnh có thể quyết định một mức giá cụ thể bằng cách sử dụng tư vấn, sau đó, đưa ra hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Việc giao đất không thông qua đấu giá cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu minh bạch trên thị trường, giải pháp nào có thể giải quyết được tình trạng này, thưa ông?
Đúng là trong các hình thức để giao đất, cho thuê đất chỉ có đấu giá là “thị trường” nhất. Tuy nhiên, đấu giá cũng không phải là giải pháp hoàn toàn thị trường, vì thị trường thể hiện cái phổ biến. Trong khi đó, cùng một ngôi nhà nhưng nhiều người thích thì giá lại bị đẩy cao lên. Tuy nhiên, đấu giá đất có tính minh bạch cao hơn hẳn giao đất chỉ định.
Hiện nay, các bộ, các ủy ban địa phương rất thích đấu giá đất. Tuy nhiên, một điều kiện tiên quyết để đấu giá được là phải có đất sạch. Phải giải phóng mặt bằng mới đấu được. Thực tế thiết lập chính sách cũng khuyến khích mở rộng đấu giá, hạn chế giao đất chỉ định, khuyến khích việc hình thành tổ chức phát triển quỹ đất.
Thủ tướng cũng đã cho thành lập loại hình doanh nghiệp là Tổng công ty Đền bù giải phóng mặt bằng ở Tp.HCM. Hy vọng sau này, các hình thức này sẽ phát triển mạnh. Hy vọng tỷ lệ bán qua đấu giá ngày một cao và chỉ định sẽ thấp hơn.
Đất sẽ không còn khung giá
Theo VnEconomy.vn