(Baonghean) - Ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp… Những việc làm thiết thực đó của huyện Nam Đàn, đã tạo được “sức hút” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên địa bàn huyện Nam Đàn đang hình thành và phát triển những cụm công nghiệp dệt may tập trung, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bia, tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 3 cụm công nghiệp của huyện với tổng diện tích gần 70ha ở các xã Nam Thái, Nam Giang và Vân Diên. Trong đó, xã Nam Giang được xác định như là điểm nhấn trong hoạt động thu hút đầu tư của huyện Nam Đàn.

Quả là ít nơi nào như ở Nam Giang, từ năm 2005 đến nay, có đến 6 dự án lớn đầu tư trên địa bàn. Đó là các dự án Nhà máy sản xuất bia Sài Gòn - Sông Lam, Nhà máy may HAIVINA Kim Liên, Nhà máy  dệt may Hanosimex, Nhà máy cấp nước vùng phụ cận Vinh - Khu công nghiệp Nam Cấm, Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao Nam Đàn Vạn An… Những dự án này đã “lấy” diện tích đất của xã Nam Giang trên 108 ha. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tiến hành đền bù GPMB trên một diện tích lớn, liên quan đến 6.500 hộ dân, với tổng số tiền đền bù GPMB gần 100 tỷ đồng. Vậy mà ở Nam Giang, cho đến nay, vẫn không hề để xẩy ra tình trạng người dân khiếu kiện…

Cán bộ nhân viên văn phòng xử lý công việc ở Nhà máy Haivina Kim Liên. 

Ảnh: Châu Lan

Trả lời câu hỏi vì sao xã lại làm tốt được vấn đề này?. Ông Trần Hữu Vạn – Chủ tịch UBND xã Nam Giang không ngần ngại nói rằng: “Đó là tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả các hộ dân liên quan biết, tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với dân và thực hiện đền bù công khai, minh bạch. Khi tiến hành đền bù, GPMB dự án trên địa bàn, chính quyền xã cùng Ban đền bù GPMB huyện đều công khai danh sách các hộ dân liên quan, mức tiền đền bù cho người dân biết và danh sách được dán tại UBND xã, nhà văn hóa xóm, đọc qua hệ thống truyền thanh...

Những gia đình nào còn băn khoăn về giá đền bù, hoặc các vấn đề liên quan, đều được giải quyết dứt điểm ngay tại các buổi đối thoại trực tiếp ở xóm, xã. Làm như vậy, nên được người dân tin tưởng, ủng hộ và tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng”. Cách làm này không phải mới, nhưng lại thu được hiệu quả cao. Ông Vạn - Chủ tịch xã kể lại: “Dự án xây dựng Nhà máy may HAIVINA Kim Liên, nhà đầu tư yêu cầu phải đền bù, GPMB gần 5 ha trong thời hạn 30 ngày. Xã, huyện tiến hành các bước theo quy định một cách công khai trước dân và được chấp nhận, ủng hộ nên đã đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Nếu để xẩy ra hiện tượng dị nghị, bức xúc trong dân thì khó có thể làm tốt được công tác GPMB”.

Nam Giang xác định rất rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều thành công của xã là tổ chức thực hiện bằng chính việc làm, hành động cụ thể, để bây giờ “trồng cây đến ngày hái quả”… Có thể thấy rất rõ, sự chuyển động tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp sang công nghiệp tại Nam Giang. Đó là, 350 lao động trong xã có nghề may công nghiệp tại các nhà máy may trong vùng; hơn 300 người đăng ký học nghề kim hoàn, chế tác đá quý tại Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Thời gian tới, một số dự án hoàn thành sẽ tạo cơ hội cho nhiều người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, có thu nhập… Cùng với đó, nhiều gia đình có thêm nguồn vốn (sau khi nhận tiền đền bù GPMB) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sự khởi sắc mọi mặt ở xã Nam Giang rất rõ, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên “mảnh đất lành” chính là sự đoàn kết, đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến Nam Giang.

Thời gian qua, huyện Nam Đàn trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất vui khi phần lớn các nhà đầu tư sau khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương, đều đã quyết định thực hiện dự án. Ông Thái Thanh Quý – Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, huyện ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp và  phát triển CN-TTCN, xây dựng làng nghề. Cùng với đó, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 CCN được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, đó là CCN xã Nam Thái, diện tích 20 ha, CCN xã Nam Giang có diện tích 36,5 ha và CCN xã Vân Diên có diện tích 10 ha.

Huyện cũng áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư tại các CCN. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 1 dự án không vượt quá 200 triệu đồng và chỉ dành cho những doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế tại huyện Nam Đàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thực hiện bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp, những hộ trong diện thu hồi đất và hỗ trợ đổi mới công nghệ...”

Nhờ vậy, Nam Đàn đã thực sự tạo được “sức hút” đối với nhà đầu tư. Ông Đỗ Quang Tiến – Giám đốc điều hành Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao Nam Đàn Vạn An nói rằng: “Huyện đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho dự án hoạt động, từ việc hướng dẫn lập hồ sơ, đến việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Công tác giải phòng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và nhất là đã giải quyết kịp thời các vấn đề nẩy sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư vào địa bàn”.

Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao có tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, được thực hiện tại xứ Đồng Dưng, xã Nam Giang, có tiến độ thực hiện từ năm 2013 – 2015, đến nay đã hoàn thành san nền, đang xây dựng phân khu 1 (dự kiến hoàn thành phân khu 1 vào cuối năm 2013 để đi vào sản xuất, sẽ giải quyết việc làm cho 600 lao động nghề sản xuất nữ trang, kim hoàn, sản phẩm phần lớn để xuất khẩu). Hiện nay, doanh nghiệp đang tập trung vào công tác tuyển chọn, đào tạo nghề cho người lao động. Dự kiến sau khi hoàn thành dự án vào năm 2015, sẽ tạo việc làm cho 1.000 lao động trên địa bàn...

Rõ ràng thời gian tới, trên vùng đất này sẽ có thêm nhiều dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị cao, tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Hoàng Vĩnh