(Baonghean.vn) - Vùng cao những ngày này phong phú hàng hóa phục vụ Tết, đồng bào các dân tộc mặc sức lựa chọn, tuy nhiên một số mặt hàng có biến động giá so với ngày thường.
Tết đang đến rất gần với đồng bào vùng cao. Ở nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi, không khí xuân đang ngập tràn với nhiều hoạt động mua bán, trao đổi chuẩn bị đón Tết yên vui, no ấm. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là các địa phương chú trọng công tác chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở các thời điểm trước. Cùng với đó là tập trung kiểm soát bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Trưởng phòng Công thương huyện Tương Dương, cho biết: Trên địa bàn có 4 doanh nghiệp nhà nước và 19 doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh lĩnh vực thương mại, ngoài ra còn có sự cung cấp của tiểu thương từ miền xuôi. Dự kiến, lượng hàng hóa phục vụ những ngày Tết sẽ tăng 2 – 3 lần so với những tháng khác trong năm, các mặt hàng thiết yếu để phục vụ cho nhân dân trong dịp tết, gồm: 300 m3 xăng, 140 m3 dầu, 2.600 bình ga, dự trữ 200 tấn gạo, 780 tấn thực phẩm các loại, 5.000 tấn rau các loại, 34 tấn bánh kẹo. 180 tấn muối I ốt…
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại thị trường miền núi những ngày cận tết, ngoài rau củ quả tăng giá. Cụ thể: bia tết Hà Nội có giá 225.000 đồng/két, bia Hà Nội thường 205.000 đồng/két, bia Hà Nội xanh 199.000 đồng/két, bia Hu Da 195.000 đồng/két; cá chỉ vàng khô 250.000 đồng/kg; trứng gà từ 2.300 – 3.000 đồng/quả… bánh kẹo các loại nhìn chung không tăng giá so với ngày thường. Gạo, miến các loại, nước ắm, mì chính… đang ổn định giá cả.
Vắng khách nhất có lẽ các quầy hàng bán quần áo sẵn tại các chợ trung tâm huyện ở miền núi. Tiểu thương buôn bán hàng quần áo trong chợ Tương Dương bộc bạch: Do các lái buôn từ xuôi lên bán quần áo lưu động đến tận thôn, bản (chủ yếu quần áo trẻ em, người già) với giá rẻ, nên bà con ít đến chợ mua như trước nữa. Nguyên nhân, do năm nay mưa, rét đậm kéo dài, người dân không làm ra tiền, hơn nữa những người đi làm ăn xa chưa về ăn tết, nên đến thời điểm này các quầy bán quần áo chưa tăng nhiệt.
Mặt hàng tăng giá nhiều nhất là rau củ, quả các loại. Tìm hiểu của chúng tôi các các chợ miền núi cho thấy, rau, củ, quả đội giá cao sau những ngày rét đậm, tức là cách đây 5 ngày. Su hào 20.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, khooai tây, cà rốt 20.000 đồng/kg… nhìn chung các mặt hàng này tăng 2 – 3 lần so với trước đợt rét đậm vừa rồi.
Chợ Đô Lương là nơi trung chuyển hàng hóa cho các huyện miền núi, bán sơn địa. Do vậy, những ngày cận tết, cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa ở đây sôi động, các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào liên tục.
Vợ chồng anh Việt – Giang chuyên vận chuyển hàng rau, củ, quả bằng xe ô tô loại trọng tải 5 tạ, tại chợ Đô Lương cho hay: Tùy vào đơn hàng của khách, từ Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ… ở đâu cần là chúng tôi đáp ứng có hàng càng nhanh càng tốt cho khách. Do vậy, suốt từ ngày 20 tháng chạp đến nay, ngày nào cũng chạy hàng từ sáng sớm đến tối mới được nghỉ. Với đặc thù là phục vụ hàng cho vùng miền núi, giao thông đi lại xa xôi, nhiều nơi còn khó khăn, vì thế năm nào cũng tới ngày 29 tết mới được nghỉ.
Năm nay thời tiết bất thường, không thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên với sự chỉ đạo của các địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tiểu thương… do vậy vùng cao, miền núi vẫn đủ đầy hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, với sự ổn định giá.
Xuân Hoàng