(Baonghean.vn) - Con đường rải nhựa chạy ngoằn nghoèo giữa vùng đồi núi của xã Xuân Thành (Yên Thành) rực rỡ hiện ra cơ man là hoa đào.

Rẽ vào một vườn đào nằm ngay cạnh đường, chị chủ nhà tươi cười cho biết, vườn đào nhà chị chưa "ăn thua" gì so với các hộ dân khác ở cái xóm 9 này. Rồi chị điểm qua một loạt các tên: Trần Văn Tuyên, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Xuân Vinh, Hà Văn Lương...., nhiều không nhớ hết, mỗi hộ cũng có vài trăm gốc đào trong vườn. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không khí luôn nhộn nhịp vì hàng chục xe ô tô đến "đánh" đào mang đi Vinh, có thể biếu xén, để trưng ngày Tết, cũng có người mua bán kiếm lời... Dù sao, những cành đào phai ở cái xóm nhỏ này chưa bao giờ bị "ế".

Chị chủ nhà tên Hà Thị Hồng, có cậu con trai rất ngoan là Trần Văn Tuấn, mới đi lao động xuất khẩu được 2 năm, năm nay về nhà ăn Tết. Tuấn tự hào, những vườn đào trong xóm này đều có "xuất xứ" từ vườn nhà ông ngoại của em. Số là, những năm 1997- 1998, ông mua một mảnh đất ở vùng này. Là đất đồi, cỗi cằn đá sỏi, nhưng không biết tự bao giờ, cạnh giếng mọc lên một cây đào phai có hoa rất đẹp.

Đến Tết, ông không chặt hết cành đào mà để lại lấy hạt giống ươm cây con, chia cho con cháu. Mỗi nhà vài gốc đào, lúc đầu chỉ để làm cảnh trong vườn, nhưng dần dần, nhiều người thấy đào đẹp tìm đến hỏi mua về trưng Tết, vậy là những người nông dân chân chất nơi đây bắt đầu nhân rộng để "kinh doanh". Đất quê, không ai ích kỷ giữ lại "nghề" cho riêng mình, mỗi đợt ra giêng, mọi người lại tỉ mỉ chăm sóc những cây đào con mọc lên từ trái rụng, hướng dẫn cho hàng xóm cách trồng đào, dần dần phong trào lan rộng khắp xóm và trở thành nghề "hái ra tiền" ở cái vùng đất đồi khô khốc và toàn sỏi đá này.


Trong vườn nhà Tuấn hiện có hơn 50 gốc đào. Giáp Tết, khoảng 26 âm lịch trở đi, cả nhà tập trung bán đào ở chợ, thị trấn. Theo Tuấn, sau một thời gian "lên ngôi" của đào Nhật Tân, hiện ở Yên Thành, đào phai ngày càng được người dân ưa chuộng, có lẽ bởi nó mang vẻ đẹp tinh khiết, rất đặc trưng cho mùa xuân đất Việt.

Thường đến ngày 28, 29 Tết, đào mới bắt đầu được tiêu thụ mạnh, mười mấy năm nay, kể từ lần đầu tiên đứng bán đào, Tuấn chưa bao giờ thấy bố mẹ phải chở đào ế về nhà. Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều khách hàng từ Vinh ra, "đánh" cả xe đào đưa về thành phố. Người gọi điện thoại đặt trước, người ra tận nơi tỉ mỉ chọn từng cành đem biếu bạn bè, người thân. Những khách này thường ít cò kè, có cành đào giá lên tới 4-5 triệu đồng nhưng nếu đã thích là không cần mặc cả. Bởi vậy, nhiều năm, mới là ngày 24, 25 Tết, chưa đưa đào ra chợ nhưng nhà Tuấn đã thu về hàng chục triệu từ vườn đào.


Đào là loài cây có sức sống mãnh liệt. 120 gốc đào trong vườn nhà chị Hà Thị Phượng đã có gần 20 năm tuổi, thế nhưng chưa gốc nào có dấu hiệu "lão hóa", cành đào cứ cắt xong lại mọc, còn nếu "hy sinh" một năm không cắt thì năm sau, chủ vườn sẽ có rất nhiều cành đào đẹp. Thế nhưng, ở cái xóm nhỏ này, không mấy người phải dùng đến cái biện pháp "bất đắc dĩ" đó, bởi họ đã có những "bí quyết" riêng, rất đơn giản mà lại hiệu quả, đó là chỉ cần tăng cường chăm bón bằng phân lân dù cắt thì những cành đào vẫn vươn cao, khỏe mạnh.

Dễ trồng, dễ chăm bón thế, nhưng hiệu quả kinh tế của cây đào khá cao. Thường mỗi cái tết, một cây đào cho từ 3-4 cành. Không kểnhững chuyến đào được "Vinh tiến", như Tết năm ngoái, giá một cành đào bán ở Yên Thành có giá dao động từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, những cành đào nhỏ, không được đẹp bằng cũng có giá 100- 150 nghìn đồng.


Năm nay rét muộn, ngay từ giữa tháng 11 âm lịch, những cánh đào đã nở bung, hồng rực khoe sắc. Nhưng người trồng hoa lại buồn hơn vì đào nở sớm. Do còn "tự phát", trồng theo kinh nghiệm, người trồng đào ở đây chỉ mới biết dùng thuốc kích thích nếu đào nở muộn, còn nếu nở sớm do rét muộn thì "đành chịu".Nhưng dù vậy, thì những vườn đào trên vùng đất cỗi cằn đá sỏi này cũng đem lại nguồn thu đáng kể, góp thêm sự sung túc, đầm ấm cho những người nông dân nghèo quê lúa.


Phú Hương