(Baonghean) - Sau 5 năm thực hiện chế độ cử  tuyển và bố trí sử dụng cán bộ  người dân tộc thiểu số theo Nghị định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã có 638 học sinh là người dân tộc thiểu số được cử  tuyển vào các trường THCN, CĐ, ĐH. Đến nay, các huyện  đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 492 sinh viên về tuyến xã, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn 146 sinh viên đang rơi vào tình trạng học xong chưa bố trí được việc làm...

sinh viên cử tuyển chưa bố trí  được việc làm chủ yếu tập trung ở các huyện như: Con Cuông (53 trường hợp); Quỳ Châu ( 31 trường hợp), Quế Phong (20), Anh Sơn ( 15)… Ngoài lí  do không có nhu cầu hoặc nhu cầu ít, nguyên nhân chủ yếu là do công tác xây dựng chỉ tiêu của các huyện có học sinh cử tuyển chưa sát với nhu cầu thực tế nên không thể bố trí  được khi học viên ra trường. Mặt khác, số học sinh tốt nghiệp ĐH, CĐ của tỉnh nói chung, của các huyện miền núi nói riêng tăng nhiều, chất lượng cao hơn học sinh cử tuyển, nên việc bố trí  học sinh cử tuyển vào làm việc theo nguyện vọng gặp nhiều khó khăn. Một số sinh viên vẫn còn tư  tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách ưu đãi, thiếu sự rèn luyện trong học tập và công tác để phấn đấu vươn lên.  Đào tạo, sử dụng cán bộ cần phù hợp thực tế ảnh 1

Học sinh Trường Dân tộc nội trú trao đổi bài sau tiết học     Ảnh: Đặng Đình Nhật Theo ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, thực tế hiện nay học sinh vùng đặc biệt khó khăn, con em dân tộc thiểu số chưa học tốt các môn tự nhiên nên số tốt nghiệp  ĐH, CĐ các ngành KH-KT (khối A, B) hạn chế  cả  về số lượng lẫn chất lượng, trong khi số  tốt nghiệp CĐ,THCN ngành xã hội lại chiếm phần lớn nên ảnh hưởng đến việc bố trí đội ngũ  cán bộ tại địa phương. Nhiều phụ huynh và học sinh chưa hiểu được yêu cầu đào tạo của các trường ĐH, CĐ, định hướng nghề  nghiệp sau khi ra trường nên đăng ký chỉ để  được đi học chứ không xác định được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân cũng như nhu cầu thực tế tại  địa phương.

5 năm qua, bên cạnh việc thực hiện chế  độ cử tuyển và bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số theo Nghị  định 134 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành cũng đã tích cực thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế mà rõ nhất là tỷ lệ  cán bộ nữ, cán bộ dân tộc được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Các cơ  sở đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự mở  rộng và đa dạng về loại hình đào tạo, nội dung chương trình đào tạo còn chung cho cả hệ  thống mà chưa phân biệt tính đặc thù của cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Rõ nhất là nội dung không phù hợp với đối tượng, người học chưa được học đúng nội dung mình cần; học nhưng ít được áp dụng trong thực tiễn, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng ít được đổi mới… trong khi cán bộ dân tộc thiểu số nhất là cán bộ nữ nhận thức còn hạn chế nên chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao.  

Việc quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhất là ở tuyến xã, vùng đặc biệt khó khăn có ý nghĩa vô  cùng quan trọng để tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực. Để đạt được kết quả như mong muốn, thời gian tới cấp ủy, chính quyền cần bám sát thực tiễn để có những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài. Trong đó đặc biệt chú trọng rà soát, thống kê các ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí  nguồn lực đào tạo các ngành nghề mà địa phương đang dư thừa. Riêng đối với chế độ cử tuyển, để nâng cao chất lượng đầu vào cần  cử đúng đối tượng đi học theo phương châm  đào tạo cử tuyển phải gắn chặt với nhu cầu sử  dụng; có giải pháp bồi dưỡng trình độ văn hóa và chuyên môn để nâng cao chất lượng khi sinh viên tốt nghiệp; tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo các trường phổ thông dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và  quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo ở các cấp, ngành, lĩnh vực đều có  các đối tượng cán bộ là người dân tộc thiểu số... tạo sự chuyển biến về thành phần, cơ cấu giữa các dân tộc.

Khánh Ly