(Baonghean) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận... 
 
Góp phần xóa đói, giảm nghèo
 
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã mở được hơn 900 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; tổng số lao động nông thôn được học nghề theo Quyết định 1956 là 12.687 người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% năm 2010 lên 46% năm 2014. Kinh phí phân bổ hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề hàng năm trên 100 tỷ đồng, trong đó, trong 2 năm (2013 - 2014) là trên 270 tỷ đồng. Nhiều lao động được học nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo. 
 
Là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kể từ khi thực hiện Quyết định 1956, Hưng Nguyên đã mở gần 70 lớp đào tạo nghề cho trên 2.400 lao động nông thôn, giúp các địa phương có điều kiện phát triển đa dạng các ngành nghề, từng bước xóa bỏ thế độc canh cây lúa, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 20,72% năm 2010 xuống còn 6,54% năm 2014. Có được kết quả đó là nhờ chính quyền 23 xã, thị trấn đã tích cực, chủ động điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề, tìm hiểu du nhập thêm nhiều nghề mới phù hợp với thực tế địa phương giúp người nông dân có thêm thu nhập. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, từ năm 2011, xã Hưng Tân đã mở 12 lớp đào tạo nghề cho hơn 400 lao động, tập trung vào các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, điện dân dụng, thêu ren...
 
Nhờ đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở Hưng Tân được đào tạo nghề chiếm trên 50%. Trên 80% số lao động được đào tạo nghề có việc làm ổn định. Nông dân xã Hưng Tân đã biết áp dụng các kiến thức được đào tạo vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của anh Võ Ngọc Minh (sinh năm 1974), tại xóm 1, xã Hưng Tân. Sau khi tham gia lớp nuôi trồng thủy sản vào năm 2012, anh đã chuyển đổi 1 ha trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo thành ao hồ nuôi cá các loại. Trên bờ ao, anh xây hệ thống chuồng trại nuôi gà, vịt. Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp khoa học trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm gia đình anh Minh thu trên 5 tấn cá các loại, hơn 100 con gà và trên 1.500 con vịt đẻ, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, lãi trên 300 triệu đồng.
 
Là một huyện bán sơn địa đất rộng, người đông, với 40 xã, thị trấn, có dân số trên 25 vạn người, với khoảng 13 vạn người trong độ tuổi lao động, nhưng trình độ lao động của người dân Thanh Chương còn hạn chế khi mà tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm đến hơn 70%. Do đó, những năm qua, huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã liên kết đào tạo cho hơn 11.000 người dân với các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: chăn nuôi gia súc, thú y, trồng trọt, làm hương, chổi tre… 
 
Ngược lên các huyện miền núi, dù địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp và không đồng đều nhưng những năm qua, các địa phương này cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được một số hiệu quả nhất định. Ông Vương Đình Hồng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Năm 2014, huyện đã mở được 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 cho 245 học viên với các ngành nghề: dệt thổ cẩm, trồng nấm rơm, trồng cam, nuôi cá nước ngọt, may công nghiệp. Nhờ các lớp đào tạo mà nhận thức, kiến thức của người dân về chăn nuôi, sản xuất có chuyển biến tích cực. Ví như việc kịp thời phát hiện và không chế, dập dịch lở mồm, long móng xảy ra tại 6 xã trên địa bàn huyện là Lục Dạ, Yên Khê, Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức và Thạch Ngàn vào năm 2014, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, còn là sự nhận biết và báo cáo kịp thời của người dân từ những kiến thức chăn nuôi thú y mà họ đã học được”. 
 
Khắc phục tồn tại
 
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Tại cuộc họp ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2014, nhiều ý kiến chỉ ra rằng: Dù quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn chậm, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Một số trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện, dù được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên từ ngân sách Trung ương và địa phương theo Quyết định 1956 và một số chương trình dạy nghề có tăng nhưng vẫn còn thiếu và không đồng bộ, như ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Anh Sơn….
 
Đặc biệt, nhiều địa phương chưa quan tâm gắn đào tạo phát triển tay nghề với giải quyết việc làm, chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên chưa thu hút được người học, một số lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp… Ví như huyện Nghi Lộc, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho số lao động của các hộ bị thu hồi đất, UBND huyện đã yêu cầu các xã rà soát, lập danh sách các hộ thuộc diện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp từ 30% trở lên so với tổng diện tích được giao trở lên, báo cáo số lượng lao động có nhu cầu học nghề, tuyên truyền rộng rãi về hình thức, nội dung đào tạo (đào tạo miễn phí, hỗ trợ nguyên, vật liệu học nghề, mở lớp tại chỗ…). Trong những năm qua, huyện đã đưa các nghề như: mây tre đan, trồng nấm, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thú y… về các xã có nhiều diện tích đất bị thu hồi, nhưng do các nghề này mức thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh nên chỉ có 2 xã đăng ký học nghề với huyện là Nghi Xá và Nghi Long với vài chục học viên ở 6 nghề. Do số học viên quá ít, lại phân tán như vậy nên dù Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phân bổ kinh phí dạy nghề cho huyện nhưng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện (nay là Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc) không thể mở lớp.
 
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về tư vấn học nghề; chú trọng điều tra, khảo sát toàn diện nhu cầu học nghề của lao động từ đó xây dựng chiến lược lâu dài về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Việc xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Bên cạnh đó cần tập trung nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh…. Đặc biệt, cần rà soát lại các cơ sở dạy nghề về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 
 
Minh Quân